|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bàn tay của định mệnh trong hành trình khởi nghiệp của người sáng lập thương hiệu Adidas

10:41 | 30/09/2019
Chia sẻ
Khi thiết kế những đôi giày cho vận động viên thể thao, có lẽ một thanh niên Đức không thể ngờ rằng thương hiệu giày Adidas sẽ nổi tiếng khắp thế giới trong gần 100 năm sau.

Thời niên thiếu, Adolf Dassler lớn lên trong cảnh nền kinh tế Đức đang lụn bại vì ảnh hưởng của cuộc Thế chiến thứ nhất. Vì cha có tiệm giày  nhỏ, ông phụ giúp gia đình bằng cách tái chế ba lô phế thải của quân đội thành dép để đeo trong nhà, theo INC.

Sự kết hợp giữa đam mê cá nhân và nghề của gia đình

Nhưng niềm đam mê thực sự của Dassler là thể thao, đặc biệt là bóng đá. Vào năm 1920, chàng thanh niên gặp nhiều huấn luyện viên và bác sĩ thể thao, tìm hiểu và kết hợp với những trải nghiệm của bản thân để thiết kế những đôi giày thi đấu thể thao các loại. 

Adolph Dassler

Niềm đam mê thể thao và nghề đóng giày truyền thống của gia đình là hai yếu tố giúp Adolf Dassler lập nên tập đoàn Adidas lừng danh thế giới. Ảnh: INC

Ngay từ đầu, Dassler đã hướng tới thành tích mà từng chiếc giày có thể mang lại cho từng môn thể thao cụ thể. Do đó, ông đã tạo ra nhiều loại giày thi đấu khác nhau dành cho các môn thể thao khác nhau như điền kinh, quần vợt, bóng đá..

Với phong cách thiết kế kĩ càng, chỉn chu, danh tiếng của Dassler nhanh chóng lan rộng trong giới thể thao chuyên nghiệp. Giới thể thao phong cho ông biệt danh "Giám đốc thiết bị thể thao hàng đầu thế giới" khi ông chưa tới tuổi 30.

Hồi Thế vận hội 1928, các đôi giày Adidas đã xuất hiện trong các cuộc tranh tài và các vận động viên rất ưa chuộng chúng vì thành tích của họ dường như tăng rõ rệt khi sử dụng giày thể thao của Adidas. 

Trong Thế vận hội Berlin năm 1936, Jesse Owens, nhà vô địch điền kinh Mỹ,  khiến cả thế giới sửng sốt khi đạt 4 huy chương vàng. Owens sử dụng giày thi đấu chuyên nghiệp của Adidas. Tương tự, Armin Hary là vận động viên đầu tiên trên thế giới lập kỷ lục chạy 100 mét dưới 10 giây cũng bằng đôi giày Adidas.

Đam mê sáng tạo không ngừng

Dassler luôn nỗ lực để duy trì thương hiệu Adidas ở vị thế dẫn đầu bằng những đột phá sáng tạo không ngừng và lòng quyết tâm thiết kế giày thi đấu cho phù hợp nhất với yêu cầu của từng bộ môn thể thao.

Ví dụ, trong môn bóng đá, ông nhận ra giày thi đấu bóng đá tiêu chuẩn vào thời đó không mang lại khả năng kiểm soát tốt nhất cho cầu thủ khi sân ẩm ướt. Vì vậy, ông thiết kế những đôi giày đinh để đảm bảo khả năng kiểm soát bóng và tăng độ chính xác về kỹ thuật của cầu thủ.

Olympic 1936

Nhiều vận động viên nâng cao thành tích trong Thế vận hội Berlin năm 1936 nhờ sử dụng giày Adidas. Ảnh: Independent

Đội tuyển bóng đá Đức đã thắng như chẻ tre và đoạt danh hiệu vô địch thế giới năm 1954 nhờ những đôi giày đinh Adidas kiểu mới.

Sau đó, Dassler cũng là người đầu tiên thiết kế những đôi giày chạy có đinh nhỏ dưới đế nhằm tăng độ bám chắc trên mặt đường khi vận động viên chạy qua các khúc quanh.

Dassler dùng những loại nguyên liệu tốt nhất có thể cho từng mục đích cụ thể khi sản xuất giày. Ông đã thực hiện vô số thử nghiệm với đủ loại nguyên liệu - thậm chí với da cá mập hay da chuột túi - để có thể xác định loại nguyên liệu phù hợp và mang lại nhiều tiện ích nhất cho các vận động viên. 

Giày thi đấu bằng chất dẻo tổng hợp là loại sản phẩm mà ông thử nghiệm thành công nhất.

Không chỉ là một nhà sáng tạo đột phá trong ngành giày, Dassler còn có tư duy marketing sắc bén. Ông hiểu rằng nếu Adidas đã có đủ mọi loại giày thi đấu dành cho các môn thể thao khác nhau thì chúng cần phải có điểm đồng nhất để thể hiện thương hiệu Adidas. 

Vì thế, đến năm 1949, ông nảy ra ý tưởng may ba sọc chéo vào bên hông giày để khi mọi người có thể nhìn chúng để phân biệt ngay giày Adidas với các loại giày khác. Tuy nhiên, phải đến năm 1996, lôgô ba sọc chéo này mới trở thành biểu tượng của Adidas.

Duy Văn