Bài học về chiến lược nhân sự của nữ doanh nhân suýt phá sản ở tuổi 24
Đam mê kinh doanh từ nhỏ, Yến Nhi đã quyết tâm trở thành doanh nhân ngay từ những ngày đầu bước chân vào trường đại học. Vị nữ doanh nhân khi đó từng làm rất nhiều vị trí để tích lũy kinh nghiệm, từ phục vụ, bartender cho tới quản lí nhà hàng.
Với những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian sinh viên, cộng với việc nắm thời cơ thích hợp, Yến Nhi đã quyết định khởi nghiệp khi mới 23 tuổi. Cô mở quán bar giải trí dành cho đối tượng chủ yếu là người Nhật Bản.
Do hàng loạt sai lầm, hoạt động kinh doanh của Mầm Trúc Tanabata dần lầm vào bế tắc. Chỉ sau 1 năm, mô hình kinh doanh bị sao chép bởi các đối thủ mới. Họ lôi kéo nhân viên dày dạn kinh nghiêm nghỉ việc khiến công ty khủng hoảng.
Trong bối cảnh liên tục phải bù lỗ, Yến Nhi đã quyết định tạm dừng hoạt động và quyết định dùng số tiền cuối cùng để sang Philipines làm từ thiện. Quyết định ấy dẫn tới bước ngoặt của cô cũng như Công ty Mầm Trúc Tanabata.
Trở về Việt Nam
Việc tận mắt chứng kiến những người dân Philippines phải vật lộn để sinh tồn sau đợt thiên tai khủng khiếp đã khiến Yến Nhi bừng tỉnh. Cô quyết định trở về Việt Nam và bắt đầu lại từ đầu.
Yến Nhi bắt đầu nhận ra rằng, cạnh tranh là động lực để phát triển. Đó chính là qui luật thị trường. Cô bắt đầu tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra sự khác biệt.
Mở rộng quy mô quá nhanh không đi kèm với chất lượng, Mầm Trúc Tanabata một lần nữa rơi vào sóng gió. Ảnh: VTV
Khi mô hình kinh doanh bắt đầu ổn định, Yến Nhi quyết định phát triển mô hình chuỗi. Bắt đầu cô chỉ mở 2-3 chi nhánh, rồi con số cũng dần lên tới 21, bao gồm những quán bar ở Campuchia và Malaysia.
Cũng giống như các mô hình chuỗi khác, khi càng phát triển rộng thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lí. Nhiều đối tác bắt đầu quay lưng khiến Mần Trúc Tanabata một lần nữa đứng trước nguy cơ lớn.
Nhưng Yến Nhi hiện tại không còn là Yến Nhi của năm 24 tuổi. Cô quyết định cứng rắn và ưu tiên đưa chất lượng phục vụ lên hàng đầu. Những căng thẳng bùng phát và đối tác lần lượt rời bỏ khiến số quán bar Yến Nhi nắm chỉ còn một nửa.
Đây là một cú sốc lớn. Chỉ trong 3 tháng, doanh thu sụt giảm 50% trong khi những chi phí cố định vẫn phải thanh toán. Yến Nhi buộc phải tìm ra cách lèo lái con thuyền Mầm Trúc Tanabata vượt qua sóng gió.
Tạo động lực làm việc cho mọi người
Nữ CEO trẻ quyết định rà soát lại toàn bộ nguồn lực, và nhận ra cô cần chú ý nhiều nhất vào yếu tố con người.
Những con người vẫn ở lại là những nhân sự vô cùng tâm huyết. Yến Nhi quyết định chia sẻ và tạo động lực cho họ. Và cuối cùng một người quản lí cấp trung đứng ra cam kết sẽ gấp đôi doanh thu trong vòng 1 tháng.
Mầm Trúc Tanabata quyết định tổ chức nhiều khóa đào tạo cho nhân viên. Hướng tới việc sử dụng những nhân sự đa năng, có thể đảm dương nhiều vị trí, từ SEO, marketing, kế toán tới lễ tân. Chiến lược mới cũng giúp tối giản hóa các nguồn chi phí.
Đội ngũ PG tại Tanabata. Ảnh: tanabata.com.vn
Công ty áp dụng những chính sách khuyến khích nhân viên, từ tổ chức những cuộc thi, tới tăng lương, thưởng cho những cá nhân xuất sắc.
Chỉ sau 1 tháng, Mầm Trúc Tanabata đã đạt mục tiêu về doanh thu. Ngoài những khách hàng trung thành người Nhật, còn có thêm nhiều khách Hàn Quốc
Với những nền tảng vững chắc về nhân sự, Mầm Trúc Tanabata đang dần ổn định và phát triển. Với những kinh nghiệm trong quá khứ, Yến Nhi quyết định lựa chọn "bỏ trứng vào nhiều rổ".Hiện tại bên cạnh Mầm Trúc Tanabata, Yến Nhi còn sở hữu thêm một công ty phân phối đất nền, đồng thời là nhà đầu tư của một công ty tư vấn và sản xuất quà tặng.
"Mọi doanh nghiệp đều phải trải qua rất nhiều thách thức. Người đứng đầu phải vững vàng để dẫn dắt, tạo động lực cho đội ngũ. Đồng thời, nhận biết tài năng và trao quyền đúng lúc sẽ giúp doanh nghiệp đạt những mục tiêu đề ra", Yến Nhi chia sẻ.