|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học cho các CEO từ những lần Jeff Bezos và Elon Musk tạo ra những phản ứng trái chiều trên internet

13:27 | 16/09/2021
Chia sẻ
Jeff Bezos và Elon Musk là những người giàu nhất thế giới, nhưng phong cách lãnh đạo của họ thường tạo ra những ý kiến trái chiều trên internet.

Khi Jeff Bezos trở về từ Trái đất trên con tàu New Shepard do Blue Origin thiết kế, ông đã cảm ơn khách hàng và nhân viên của Amazon vì đã "góp phần" vào khoản tiền ông bỏ ra để bay vào vũ trụ. Hành động này đã gây ra những bình luận trái chiều trên internet.

Trong khi đó, cũng có những thông tin cho rằng Elon Musk đã chỉ đạo nhân viên tìm kiếm trên mạng xã hội những lời phàn nàn về ông và yêu cầu xóa chúng. Đây được xem một hành động dường như không phù hợp đến từ một trong những CEO giàu nhất thế giới, theo Entrepreneuer.

Những vụ việc trên ít nhiều để lại nhiều tai tiếng cho các tỷ phú, đồng thời chỉ ra một vấn đề lớn hơn: Họ ngày càng bị mang tiếng đối xử tệ với nhân viên công ty. 

Một nhân viên Amazon báo cáo rằng văn hóa làm việc tại đây khiến anh từng khóc trên bàn làm việc. Nghiên cứu của Trung tâm Tổ chức Chiến lược cho thấy 5,9% nhân viên kho hàng của Amazon bị vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vào năm 2020, khiến họ phải nghỉ việc hoặc làm công việc nhẹ nhàng hơn. Con số này cao hơn 80% so với tỷ lệ của tất cả các nhà tuyển dụng khác trong lĩnh vực logistics.

Bài học cho các CEO từ sai lầm của tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk trong phong cách lãnh đạo - Ảnh 1.

Jeff Bezos và Elon Musk là những CEO hàng đầu thế giới. (Ảnh: Business Insider).

Không thể phủ nhận rằng Amazon và Tesla là những công ty cực kỳ thành công, nhưng đế chế của họ còn đi xa hơn cách mà Jeff Bezos và Elon Musk tưởng tượng. Một công ty không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào một CEO. Vì vậy, nếu những thông tim cho rằng Amazon và Tesla đang ngược đãi nhân viên là đúng, họ sẽ phải vật lộn để thu hút nhân tài cũng như giữ chân nhân viên.

Tờ New York Times cho biết tỷ lệ thay đổi nhân viên thời vụ là 3% mỗi tuần tại Amazon, tương đương 150% mỗi năm - gần gấp đôi tỷ lệ của ngành bán lẻ. Đối với Tesla, vấn đề giữ chân vẫn tồn tại ngay cả ở những cấp độ cao nhất. Theo một cuộc điều tra của Yahoo Finance, ít nhất 88 lãnh đạo cấp cao đã rời công ty từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2019, thậm chí danh sách này có thể còn dài hơn.

Amazon và Tesla có thể hành động như thể không có điều gì phải lo lắng, nhưng bên ngoài sẽ luôn có những nhà tuyển dụng khác chờ đợi nhân tài từ hai công ty này. Vì vậy, theo chuyên trang Entrepreneur, các nhà lãnh đạo trên thế giới cần ghi nhớ những bài học từ tỷ phú Jeff Bezos và tỷ phú Elon Musk.

Đề cao con người

Thực tế, đã có những vụ việc nhân viên Amazon và Tesla phản ánh về vấn đề môi trường làm việc tiêu cực, nhưng các công ty này dường như không phản hồi hoặc xác thực mối quan tâm của họ. Ngay cả khi Amazon từ chối xác nhận thông tin về việc nhân viên đi vệ sinh trong chai do hạn chế thời gian khi làm việc, các tài liệu nội bộ do Intercept tiết lộ cho thấy ban lãnh đạo đã biết về vấn đề này.

Ông Laurence Turner, nhân viên nghiên cứu và chính sách của Liên minh GMB tại Anh cho rằng: "Tân CEO của Amazon có cơ hội lịch sử để vạch ra đường lối mới về tư tưởng thù địch của Jeff Bezos đối với các công đoàn. Uu tiên hàng đầu là cải thiện sự quan tâm đối với người lao động". 

Đồng thời, ông cũng cho rằng các công ty nên ưu tiên thay đổi tổ chức nội bộ để tạo ra trải nghiệm nhân viên tốt hơn và xây dựng văn hóa tổ chức mạnh mẽ hơn.

Bài học cho các CEO từ sai lầm của tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk trong phong cách lãnh đạo - Ảnh 2.

Vấn đề con người luôn tồn tại ở Amazon và Tesla. (Ảnh: Inc).

Trung thực, ngay cả khi điều đó là một sự khắc nghiệt

Chìa khóa cho các tổ chức là lưu tâm đến câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp thay vì vẽ một bức tranh sai lệch không phản ánh thực tế. Tính xác thực là rất quan trọng. Amazon nên dồn tâm trí vào việc xây dựng thương hiệu theo cách chia sẻ câu chuyện về công ty một cách trung thực hơn, dễ hiểu hơn, theo Entrepreneuer.

Một bài báo trên tờ Wall Street Journal gọi Amazon là "Nhà máy CEO của Mỹ". Amazon là nơi quy tụ những nhân viên cũng như lãnh đạo giỏi bậc nhất thế giới. Do đó, hãng thương mại điện tử có thể làm nổi bật văn hóa cạnh tranh, như kiểu "Amazon luôn đòi hỏi cao hơn nữa", như một yếu tố giúp nhân viên công ty trở nên khác biệt.

Nâng cao trải nghiệm nhân viên

Salesforce, một công ty phần mềm nổi tiếng thường gọi nhân viên của mình là Ohana (thuật ngữ tại Hawaii chỉ gia đình hoặc cộng đồng). Theo phần mô tả trên trang web công ty, các nhân viên luôn "cộng tác, chăm sóc lẫn nhau, vui vẻ làm việc cùng nhau để giúp thế giới trở nên tươi đẹp hơn".

Nhìn chung, Salesforce ít nhiều làm đúng theo những gì họ nói. Người thân và bạn bè của những nhân viên làm việc tại Salesforce, những người thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch được ưu tiên tuyển dụng trong thời gian qua. 

Dữ liệu từ Great Place to Work chỉ ra rằng 90% nhân viên muốn giới thiệu người nhà và bạn bè làm việc cho Salesforce. Sự phù hợp giữa lời hứa và thực tế dành cho trải nghiệm nhân viên rất quan trọng. Đây có thể là sự khác biệt giữa một công ty thành công và một công ty đang đấu tranh để duy trì động lực.

Amazon và Tesla không phải là những công ty đầu tiên xây dựng thành công mà danh tiếng không hoàn toàn được xây dựng trên và phản ánh đúng như thực tế vẽ ra. Mặc dù các tiêu chuẩn khắc nghiệt mà họ áp đặt có thể là một phần trong thành công, nhưng danh tiếng của công ty hoàn toàn có khả năng bị ảnh hưởng nếu không được kiểm soát.

Đối với các nhà lãnh đạo, đảm bảo tính xác thực và trung thực là cách bắt đầu xây dựng danh tiếng công ty và thương hiệu nhà tuyển dụng. Mang đến cho nhân viên trải nghiệm tốt và giữ đúng lời hứa là cách tạo dựng sự thành công bền vững.

Quốc Anh