|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thành phố 50 ngày vắng bóng shipper

07:04 | 16/09/2021
Chia sẻ
Từ cuối tháng 7 - khi các lệnh hạn chế shipper tung ra - đến nay, TP HCM rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Người dân có nhu cầu mua sắm lớn nhưng doanh nghiệp chỉ biết đứng nhìn vì khâu giao vận quá tải, đứt gãy khắp nơi.

"Xin lỗi! Hiện các tài xế của chúng tôi đều bận, vui lòng đặt lại đơn hàng" là dòng thông báo Yến Nhi (20 tuổi) thường xuyên nhận được khi đặt thức ăn, đồ uống trong hai ngày qua kể từ khi TP HCM cho phép bán hàng mang về. Lần gần nhất, cô đặt một ly trà sữa tại quán cách nhà chừng 800m, giá sản phẩm 35.000 đồng, phí giao hàng lên đến 27.000 đồng. Nhi "cắn răng" đặt món nhưng chờ đến nửa tiếng lại nhận về thông báo bị huỷ đơn.

Không phải mỗi Yến Nhi và cũng không phải đến những ngày gần đây, giao vận mới trở thành vấn đề phiền toái và gây nhức nhối trên toàn thành phố.

Người mua khó, người bán ngại vì thiếu shipper

Bán hủ tiếu tại phường Long Trường (TP Thủ Đức), chị Pha hoạt động trở lại trên các ứng dụng từ sáng 10/9. Ngày đầu, dự đoán nhu cầu chưa cao, chị Pha tính toán bán khoảng 30 tô. Nấu xong nồi súp, bật ứng dụng cho nhà bán lên, chị nhận được 3 đơn đầu ngày. Trong khi đóng gói, chị nhấn nút để cho phép shipper nhận đơn.

10 phút sau, một tài xế xác nhận, chị tranh thủ nhanh tay để kịp giao phần hủ tiếu đầu tiên. Nhưng với hai đơn hàng sau, chủ quán ngồi chờ mãi không thấy bóng dáng tài xế đâu. 20 phút. 30 phút. Rồi 40 phút. Ứng dụng báo "reng" một tiếng, mở ra, chị Pha nhận được thông báo đơn hàng huỷ do không tìm được tài xế.

"Cả ngày hôm qua, tôi chỉ bán được 18 phần ăn. Lượng đơn đặt hàng đổ về tận 42 tô nhưng tìm tài xế đỏ mắt không có nên cả nhà tôi chia nhau ăn phần hủ tiếu còn lại", chị nói.

50 ngày lệch cung cầu giao vận tại TP HCM - Ảnh 1.

Hai shipper giao hàng tại TP HCM. (Ảnh: Pháp luật).

Thời gian trước, chị vẫn duy trì bán hàng theo hình thức bán combo sơ chế cho khách hàng mua về tự nấu chín. Để mở bán, chị phải tìm nơi cung cấp nguyên liệu khác vì mối quen từ chối giao hàng do khó tìm shipper. May mắn cách nhà vài căn có người bán thịt heo và rau củ, mỗi ngày chị đánh liều đi bộ sang mua.

Lúc bấy giờ, rất ít hàng quán còn duy trì hoạt động, mỗi ngày chị Pha tìm shipper đã rất khó khăn. Nhiều đơn hàng phải huỷ vì không ai nhận giao. "Giờ đây thành phố cho mở cửa, nhiều hàng quán sẽ hoạt động trở lại, việc tìm shipper còn khó hơn gấp bội", chị lo lắng.

Trước tháng 7, chị Minh Thư (Bình Tân) ngoài công việc văn phòng, còn bán thêm hải sản tươi sống từ nguồn nguyên liệu dưới quê nhà gửi lên. Mỗi tháng, chị thu về hàng chục triệu đồng từ các loại cá biển, tôm, cua và đặc sản Rạch Giá (Kiên Giang). 

Hàng ngày, chị đặt đăng bài thông báo các loại hải sản đang có trên mạng xã hội, khách hàng đặt mua sẽ nhắn tin chốt đơn. Cứ hai ngày một lần, chị tổng hợp đơn hàng rồi nhắn người nhà ở quê thu mua, đóng gói theo từng đơn riêng và gửi xe khách lên TP HCM trong đêm. Khoảng 4h sáng thùng hàng lên đến nhà xe, chị Thư lên ứng dụng đặt shipper giao về nhà trọ của mình rồi cũng đặt shipper để giao hàng đến khách.

Từ khi có lệnh hạn chế giao hàng, chị Thư chật vật trong việc bán buôn. "Thời điểm đó, tôi hoàn toàn không đặt được shipper dù rất cố gắng. Gọi cả những tài xế quen nhưng không ai nhận vì người sợ nhiễm bệnh, người sợ bị phạt. Tôi đành gọi điện xin lỗi từng khách hàng rồi ngừng bán từ đó", chị kể hơn 10kg cá biển và 5kg cua, ghẹ các loại trong đợt hàng đó vừa được chị ăn xong hồi tuần trước.

Tỷ lệ hoàn thành đơn hàng chỉ gần 30%

Không chỉ các hàng quán và cơ sở buôn bán nhỏ lẻ gặp khó, các chuỗi kinh doanh với quy mô lớn hơn cũng đối mặt nhiều thách thức trong mùa khan hiếm shipper đã kéo dài đến ngày thứ 50. Một chuỗi nhà hàng bún đậu mắm tôm có 8 chi nhánh và một quầy ăn sáng tại TP HCM xác nhận, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong ngành F&B là đã thấy rõ. Các bạn hàng, nhà cung cấp cũng gặp khó rất nhiều trong khâu thu mua, vận chuyển.

"Có những đầu nguyên liệu chúng tôi phải gom rất nhiều nơi, chi phí rất cao và cũng không thể dự trữ nhiều được vì đó là nguyên liệu tươi", đại diện chuỗi nhà hàng nói.

Doanh nghiệp cũng thừa nhận, hiện tại nhiều người dân đang lo phí giao hàng giai đoạn này tăng cao, có khi hơn cả giá sản phẩm. Người đại diện giải thích, nguyên nhân do nhu cầu quá lớn với khả năng cung ứng. 

Hiện số lượng shipper đủ điều kiện và được cấp phép hoạt động chỉ bằng 10% - 20% so với nhu cầu, lại chỉ được giao nội quận, khiến khả năng đặt thành công một đơn hàng rất khó, ở cả phía khách hàng lẫn phía cửa hàng. Người này hy vọng: "Khi lượng shipper tăng lên và mở rộng phạm vi hoạt động, chi phí giao hàng sẽ hợp lý hơn".

50 ngày lệch cung cầu giao vận tại TP HCM - Ảnh 2.

Tỷ lệ giao hàng của đơn vị này chỉ đạt 30%. (Ảnh: Loship).

Anh Việt, shipper chuyên nhận chuyến khu vực TP Thủ Đức, đã ngừng việc một tháng rưỡi nay. Anh giải thích, bản thân rất e ngại khi có thể phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Không ít đồng nghiệp của anh cũng chia sẻ cùng lý do trên mà vẫn "ở nhà ngủ nghỉ cho khoẻ". 

Chưa kể, các tài xế lại không an tâm hoạt động sau nhiều sự vụ không đồng nhất khi kiểm tra shipper của các chốt phòng dịch. Mỗi ngày, cứ vào các nhóm cộng đồng tài xế, anh Việt đọc được ít nhất một bài đăng "kêu oan" của đồng nghiệp vì bị phạt.

Thực tế, shipper tại TP HCM từ cuối tháng 7 đến nay vừa đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh, vừa lo lắng đảm bảo về quy trình hoạt động. Theo đại diện một hãng vận tải công nghệ yêu cầu giấu tên, hiện tại, shipper đang chịu cảnh bị 3 lớp quy định chồng lên nhau.

Trước khi ra khỏi nhà, họ phải trang bị đủ bộ nhận diện gồm đồng phục của công ty, bảng đeo tay shipper. Việc đầu tiên vào mỗi buổi sáng là phải đến các trạm y tế lưu động để test nhanh, trong đó tập trung đông người có thể nảy sinh nguy cơ lây nhiễm chéo. Sau đó, khi đến các chốt kiểm soát, họ phải xuất trình kết quả tra cứu trên web Sở Công Thương để chứng minh bản thân nằm trong danh sách được phép hoạt động và thực hiện khai báo y tế.

Nhiều hãng vận tải công nghệ đều xác nhận, thị trường xuất hiện chênh lệch cung - cầu khi số lượng shipper thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân. Trong ngày 9/9, Loship ghi nhận hơn 20.000 đơn đặt hàng, riêng dịch vụ giao thức ăn chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, lượng shipper hoạt động trên toàn TP HCM của hãng này chỉ hơn 600 người. Vì thế, tỷ lệ hoàn thành đơn hàng chỉ đạt gần 30%.

Sở Công Thương từng đánh giá, do tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, hệ thống phân phối hàng hóa không tương xứng với phân bố dân cư, vì vậy cần có sự lưu chuyển hàng hóa để phục vụ người dân tốt hơn.

Tính đến ngày 28/8, số shipper được tiêm mũi đầu tiên tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức vào khoảng 17.449. Cơ quan này tính toán, trong điều kiện giãn cách và được giao liên quận thì mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng mỗi ngày. Nếu huy động được 25.000 người, có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 đến 650.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện tại các shipper chỉ có thể giao được nội quận nên năng suất là chưa rõ.

Sở Công thương đã đề xuất UBND TP HCM cho phép huy động khoảng 25.000 shipper đã tiêm vắc xin hoạt động liên quận, huyện, thành phố. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ghi nhận bất kỳ tiến triển nào.

Từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP HCM đến nay, ngành giao vận tại đô thị lớn nhất Việt Nam phải trải qua nhiều biến cố dữ dội nương theo các quy định phòng dịch thay đổi liên tục. Ngày 22/5, TP HCM yêu cầu hàng quán nhỏ ven đường chỉ bán mang về, nhà hàng trên 10 lao động không phục vụ quá 20 người. Shipper trở thành lực lượng chính để nối cung - cầu cho các hàng quán nhỏ.

Trong tháng 6, nhiều nhà hàng bắt đầu đóng cửa và chỉ bán mang về. Shipper chính thức trở thành lực lượng chính phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Từ ngày 19/6, shipper phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K khi hoạt động.

Hoạt động tạm trơn tru được hơn một tháng, ngành này bắt đầu loạng choạng với hàng tá quy định thay đổi không dứt. Ngày 26/7, TP HCM chỉ cho phép shipper hoạt động tại một quận, huyện và giao hàng hoá thiết yếu với bộ nhận diện theo quy định, thời gian hoạt động 6-18h. Hai ngày sau, shipper chở hàng thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly, cơ sở y tế, điều trị bệnh nhân COVID-19 được di chuyển liên quận, huyện.

Từ ngày 15/8, shipper có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện. Đến ngày 23/8, shipper công nghệ hoạt động ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" phải tạm ngưng, các khu vực còn lại hoạt động nội quận. Chỉ 5 ngày sau, shipper "vùng đỏ" có thể hoạt động trở lại và xét nghiệm mỗi ngày, shipper "vùng xanh" xét nghiệm hai ngày một lần. Mới nhất, từ ngày 7/9, shipper được phép hoạt động trong phạm vi một quận, huyện từ 6-21h.

Y Khải

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.