|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Loạt chợ truyền thống, siêu thị phải đóng cửa, các chuỗi bán lẻ tại Hà Nội tính chuyện bán hàng lưu động, phân phối hàng hoá đến từng khu phố

09:42 | 04/08/2021
Chia sẻ
Mở đầu sáng kiến này là AEON Việt Nam với mô hình xe bán hàng lưu động.
Loạt chợ truyền thống, siêu thị phải đóng cửa, các chuỗi bán lẻ tại Hà Nội tính chuyện bán hàng lưu động, phân phối hàng hoá đến từng khu phố - Ảnh 1.

Một điểm bán hàng lưu động của AEON Việt Nam. (Ảnh: AEON Việt Nam).

Ngày 3/8, AEON Việt Nam đã bắt đầu triển khai mô hình xe bán hàng lưu động tại Hà Nội với 4 địa điểm gồm: khu đô thị Việt Hưng, 125 Nguyễn Sơn, Sân chơi tổ 33 phường Bắc Cầu, Long Biên và số 11 Đặng Vũ Hỷ, Long Biên.

Thời gian bán hàng từ 9h30 sáng. Trong đó, xe bán hàng lưu động sẽ cung cấp các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm thiết yếu cho người dân. Công ty lưu ý địa điểm và thời gian bán hàng có thể thay đổi theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

AEON cho biết sáng kiến này được hỗ trợ từ Sở Công thương Hà Nội và các cơ quan chức năng nhằm giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân. Trước đó công ty đã triển khai mô hình này tại TP HCM.

Tại TP HCM, công ty bắt đầu sử dụng xe lưu động bán hàng từ ngày 13/7 ngoài việc bán hàng trực tiếp tại hai siêu thị là AEON Tân Phú và AEON Bình Tân. Đến nay, AEON Việt Nam đã có 17 điểm bán hàng lưu động tại thành phố này.

"Chúng tôi cố gắng hết sức đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu với giá cả bình ổn cho người dân ở mọi cấp độ của dịch bệnh", ông Nguyễn Nhơn Quý, đại diện AEON Việt Nam chia sẻ.

Không riêng AEON, ngày 28/7, VinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi VinMart/VinMart+, cũng đưa ra sáng kiến "mua chung" nhằm cung cấp nhu yếu phẩm tại chỗ cho người dân. Theo đó mỗi khu vực sẽ cử một người đại diện, tổng hợp các đơn hàng của người dân để gửi về VinMart/VinMart+ gần nhất. Đơn vị bán hàng sẽ nhận đơn hàng, xử lý và gửi hàng lại cho người dân tại khu dân cư.

Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn TP Hà Nội, mới đây, hơn 40 siêu thị/cửa hàng tiện lợi đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do có liên quan đến một công ty cung cấp thực phẩm - nơi ghi nhận chùm ca bệnh COVID-19 mới.

Ngày 3/8, chợ đầu mối Long Biên, một trong những khu chợ đầu mối lớn của Hà Nội cũng đã bị phong toả, tạm dừng hoạt động do liên quan đến các ca dương tính SARS-CoV-2.

Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội cho biết thành phố đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho hơn 10 triệu dân. "Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của 10 triệu trong TP rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn hàng lương thực, thực phẩm tự sản xuất trong TP đáp ứng gần đủ nhu cầu", Sở cho hay.

Hiện nay, TP Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị, 458 chợ trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn và 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm.

Chí Dũng