|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cửa hàng truyền thống gặp khó trong dịch, VinMart mang thịt cá lên Lazada bán online, mục tiêu 10.000 đơn mỗi ngày

20:00 | 30/07/2021
Chia sẻ
Thời gian tới VinMart sẽ xây dựng mô hình dark - store với nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp và kho hàng dành riêng cho kênh online siêu thị.

Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, CTCP tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) nói rằng chuyển đổi các điểm bán VinMart/VinMart+ thành các địa điểm trong nền tảng Point of Life đang giúp gia tăng đáng kể doanh thu trên mỗi mét vuông trong một tháng. Đơn cử nửa đầu năm nay, nhờ kết hợp mô hình bán lẻ online và offline, thời gian đạt điểm hoà vốn của VinMart/VinMart+ dự kiến sẽ được rút ngắn.

VinMart đẩy mạnh online khi offline gặp khó

Lãnh đạo Masan Group cho biết công ty đang tăng tốc đẩy mạnh hợp tác với sàn thương mại điện tử Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hàng ngày trên kênh online. VinMart đã thí điểm dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng 4 tiếng từ 14 siêu thị VinMart tại TP HCM và Hà Nội.

Kết quả bước đầu cho thấy doanh số của kênh online đã tăng gấp ba lần vào tháng 6/2021 so với quý I/2021. Nếu như vào quý I, doanh số kênh online đóng góp chưa đến 1% vào doanh số VinMart thì đến tháng 6/2021, doanh số của kênh mua sắm này đã đóng góp 6,8%. Riêng tại 4 siêu thị tại TP.HCM, kênh online đóng góp hơn 10% vào doanh số trong tháng 7/2021.

Trên cơ sở doanh thu, chỉ sau 6 tháng triển khai kênh online, doanh thu của kênh bán hàng này đã chiếm 0,5% doanh thu của VinCommerce (đơn vị vận hành VinMart/VinMart+) trong tháng 7/2021.

Cửa hàng truyền thống gặp khó trong dịch, VinMart mang thịt cá lên Lazada bán online, mục tiêu 10.000 đơn mỗi ngày - Ảnh 1.

Cửa hàng online của VinMart trên Lazada. (Ảnh: Thiên Trường).

Mỗi ngày, có 1.300 đơn hàng được xử lý thành công trong tổng số gần 3.000 đơn hàng. Để tháo gỡ nút thắt, lãnh đạo Masan Group đang xây dựng mô hình dark-store với nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp và kho hàng dành riêng cho kênh online tại các siêu thị. Từ đó, hướng đến mục tiêu đến trước tháng 12/2021, hệ thống có thể phục vụ 10.000 đơn hàng mỗi ngày.

Trong khi kinh doanh online "ăn nên làm ra" thì kênh bán offline của VinMart lại đang chịu sức ép từ tác động của đại dịch. Bằng chứng là doanh thu 6 tháng đầu năm của VinCommerce giảm 8,5% so với cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp lý giải 65% nguyên nhân đến từ số điểm bán lẻ đang hoạt động ít hơn cùng thời điểm năm ngoái và 35% đến từ việc giảm doanh thu mỗi cửa hàng do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Riêng trong quý II, khi các chợ truyền thống tại TP HCM phải tạm thời đóng cửa để phòng dịch, doanh thu thuần VinCommerce đã tăng 1,7% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng tập trung vào hàng tươi sống, thay đổi mô hình bày trí cửa hàng và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong đại dịch.

Kiosk Phúc Long giúp các cửa hàng VinMart+ tăng tốc đạt điểm hoà vốn

Trong báo cáo của mình Masan Group cho biết Kiosk Phúc Long theo mô hình cửa hàng trong cửa hàng đã thúc đẩy lưu lượng khách và gia tăng lợi nhuận của VinMart+.

Tính đến 21/7 có 41 kiosk Phúc Long đã đi vào hoạt động. Trong năm nay dự kiến sẽ có hơn 1.000 kiosk Phúc Long tại các điểm bán của VinCommerce.

Các kiosk đưa vào hoạt động đang đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu cửa hàng mỗi ngày, giúp cải thiện biên EBITDA lên gần 4%. Doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đối với các cửa hàng mới có kiosk Phúc Long thấp hơn 15% so với các cửa hàng không có kiosk.

Tính đến nay, VinCommerce đã có ba quý liên tiếp đạt EBITDA dương, cải thiện từ 0,2% trong quý IV/2020 lên 2,0% trong quý I/2021 và 2,2% trong quý II sau đó. Biên EBITDA hợp nhất đạt 2,1%, tăng 848 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2020 nhờ cải thiện biên lợi nhuận thương mại, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.

Biên lợi nhuận cao hơn từ nhà cung cấp (đóng góp 40% vào biên EBITDA). Nguyên nhân là Masan Group đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp giúp biên lợi nhuận thương mại (TCM) cải thiện 2,4% trong nửa đầu năm 2021 so với mức trung bình trong năm 2020.

TCM dự kiến sẽ được cải thiện thêm 0,5% trong nửa cuối năm 2021. Lãnh đạo Masan đặt kế hoạch cải thiện biên lợi nhuận thương mại năm tài chính 2021 lên gần 3%.

Ngoài ra việc cải thiện các yếu tố nền tảng cũng đóng góp 51% vào biên EBITDA như giảm chi phí vận hành đã giúp cải thiện 430 điểm cơ bản.

Nửa đầu năm 2021, VinMart+ đạt doanh thu thuần 9.543 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Có 62 siêu thị mini VinMart+ theo mô hình mới đã được thí điểm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 40% diện tích quầy kệ đã được dành cho các sản phẩm tươi sống, góp phần thu hút lưu lượng khách và gia tăng lợi nhuận của cửa hàng.

Đối với VinMart, doanh thu giảm 14,2% trong nửa đầu năm 2021,với doanh thu/m2/tháng LFL giảm 11%. Có 4 siêu thị thí điểm đã được triển khai tại Hà Nội và TP HCM, tập trung vào cách thức bày trí hấp dẫn hơn, nâng cấp cửa hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm và cải thiện lợi nhuận thương mại.

Hai cửa hàng tại Hà Nội đã cho thấy mức tăng trưởng LFL hai chữ số, trong khi các cửa hàng tại TP HCM có doanh thu tăng đáng kể trong tháng 7 do danh mục sản phẩm hấp dẫn hơn, doanh số kênh online và nhu cầu mua sắm gia tăng do dịch COVID-19.

Thiên Trường

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...