Cuộc chiến giữa các vì sao của Jeff Bezos và Elon Musk
Trong nhiều qua, hai tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk đã tạo ra một cuộc chiến ngầm về lĩnh vực hàng không vũ trụ. Yếu tố gây ra cuộc cạnh tranh giữa hai trong số những người giàu nhất thế giới đến từ hợp đồng khai thác thương mại mặt trăng được NASA cấp phép, theo Washington Post.
Vài năm qua, SpaceX đã phóng một lượng lớn vệ tinh, nhằm mục đích truyền tín hiệu internet tới trái đất. Amazon cũng có kế hoạch tương tự với một chương trình mà họ gọi là Kuiper, nhưng chương trình này vẫn chưa phóng vệ tinh.
Ngày 25/8, Amazon đã tạo ra thách thức cho SpaceX với Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) để sửa đổi kế hoạch của mình, nói rằng việc sửa đổi sẽ vi phạm quy tắc của FCC.
Trong khi đó, với động thái công khai bác bỏ khả năng kỹ thuật của Amazon, SpaceX cáo buộc công ty này đang cố gắng trì hoãn nỗ lực của SpaceX để bù đắp cho những thất bại của chính họ.
Tuần trước, Amazon đã có những động thái đáp trả, cáo buộc Musk công khai bỏ qua các quy định hợp pháp hết lần này đến lần khác. "Cách hành xử của SpaceX và các công ty khác do Elon Musk lãnh đạo đã làm rõ quan điểm: Các quy tắc không dành cho họ", theo hồ sơ gửi các cơ quan của Amazon.
Không chịu kém cạnh, SpaceX đã đệ trình một lần nữa. "Một tuần nữa, một phản đối khác từ Amazon đối với một đối thủ cạnh tranh, trong khi vẫn không có dấu hiệu tiến triển trên hệ thống vệ tinh được đồn đại từ lâu của Amazon", nội dung lá thư của SpaceX gửi FCC.
Jeff Bezos - Elon Musk, hiện thân cho những cuộc cạnh tranh của các lĩnh vực công nghiệp tại Mỹ
Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp Mỹ đã được xây dựng dựa trên sự cạnh tranh khốc liệt giữa những ông lớn trong ngành, từ thời của Andrew Carnegie và John D. Rockefeller hơn một thế kỷ trước. Giờ đây, Elon Musk và Jeff Bezos đang viết một chương mới tập trung vào lĩnh vực không gian.
Cả Jeff Bezos và Elon Musk đều miêu tả mục đích của họ như một cách để giúp đỡ nhân loại. Margaret O'Mara, giáo sư tại Đại học Washington và là tác giả của cuốn "The Code: Silicon Valley and the Remaking of America," cho biết: "Không gian là một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Hàng không vũ trụ là niềm đam mê của các tỷ phú này, và nó cũng là ngành công nghiệp đang phát triển, có thể giúp họ hái ra tiền. Họ đang tạo ra sự cạnh tranh trên mọi khía cạnh, từ mạng xã hội cho tới không gian thực. Đó là sự phản ánh cho chúng ta thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của những người giàu nhất thế giới".
Cả hai tỷ phú đã vạch ra những con đường tương tự trong việc xây dựng đế chế của mình. Cả hai đều sở hữu khả năng tối ưu trong việc phát triển toàn bộ ngành công nghiệp bằng các sản phẩm mới sáng tạo, có khả năng nhìn xa và niềm tin mãnh liệt vào bản thân.
Tạo ra PayPal, Elon Musk đã giúp phá vỡ ngành công nghiệp thẻ tín dụng và thay đổi cách người tiêu dùng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ. Với Tesla, ông đã tiếp quản toàn bộ ngành công nghiệp ô tô và cách mạng hóa thị trường ô tô điện. SpaceX đã tạo nên tổ hợp công nghiệp - quân sự mà trong nhiều thập kỷ đã thống trị không gian và đã trở thành đối tác ưa thích của NASA.
Với Amazon, từ một cửa hàng bán sách truyền thống, tỷ phú Jeff Bezos sau đó đã biến nơi đây trở thành công ty bán lẻ hàng đầu thế giới. Amazon Web Services đã thay đổi cách các công ty lưu trữ dữ liệu của họ.
Elon Musk dẫn trước Jeff Bezos?
Riêng với lĩnh vực hàng không vũ trụ, tỷ phú Elon Musk dường như đã đi trước tỷ phú Jeff Bezos. SpaceX đã cử ba nhóm phi hành gia đến Trạm vũ trụ quốc tế và dự kiến sẽ đưa một nhóm phi hành gia dân sự trong chuyến đi ba ngày quay quanh Trái đất. Trong khi đó, Blue Origin đã thực hiện một sứ mệnh dưới quỹ đạo duy nhất lên không gian chỉ kéo dài hơn 10 phút.
SpaceX đã phóng gần 2.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, đưa công ty tiến gần đến việc thực hiện chiến dịch mạo hiểm và táo bạo nhất của Elon Musk: Cung cấp dịch vụ internet từ không gian. Gần đây, Elon Musk viết trên Twitter rằng công ty của ông đã vận chuyển 100.000 thiết bị thu phát mặt đất cho hệ thống và đang phục vụ 14 quốc gia. Năm ngoái, FCC thông báo họ đã trao cho SpaceX 886 triệu USD để giúp phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng ở Mỹ, một phần trong nỗ lực chi 9,2 tỷ USD nhằm tăng cường truy cập băng thông rộng.
SpaceX muốn sửa đổi giấy phép được FCC cấp. Dù vậy, Amazon lập luận rằng theo các quy định của FCC, SpaceX phải trình bày một thiết kế duy nhất cho hệ thống của mình. SpaceX đã gọi đây là "chiến thuật trì hoãn" và cho biết "Amazon đang cố gắng cản trở đối thủ cạnh tranh để bù đắp cho những thiếu xót của bản thân". Thậm chí, Elon Musk từng có một dòng tweet nhắm đến tỷ phú Jeff Bezos, dù đã thay tên: "Hóa ra Besos nghỉ hưu chỉ để theo đuổi một vụ kiện không gian".
Phản ứng gay gắt của Amazon nhắm vào SpaceX và chính Elon Musk, chỉ ra một danh sách những vi phạm mà Amazon lập luận rằng phải bị trừng phạt. Trong đó, họ lưu ý rằng SpaceX đã phóng một mẫu thử nghiệm Starship mà không có sự chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang và họ đã để nhà máy lắp ráp Tesla của mình mở cửa trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, bất chấp các quan chức y tế địa phương.
Ngoài "cuộc chiến giữa các vì sao", tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk cũng tạo ra cuộc chiến giành hợp đồng khai thác thương mại du lịch mặt trăng của NASA. Blue Origin đã kháng nghị quyết định của NASA lên Văn phòng giải trình Chính phủ, cơ quan này đã bác bỏ các lập luận của Blue Origin và đưa ra phán quyết có lợi cho NASA.
Sau đó, Blue Origin đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang. Họ cũng đã gửi các bài báo với mục đích thách thức SpaceX đến các nhân viên của Capitol Hill, nói rằng, "Elon Musk sợ gì về ... một sự cạnh tranh nhỏ?"
Amazon cho rằng NASA đã ưu ái SpaceX trong việc kiểm tra các điều kiện bay của hãng này. Megan Mitchell, Phó Chủ tịch quan hệ chính phủ của Blue Origin, cho biết SpaceX sẽ cần nhiều lần phóng để tiếp nhiên liệu cho tên trên quỹ đạo để đến được mặt trăng, điều này gây ra những nghi ngờ về tính an toàn.
Ràng buộc trong việc mua sắm liên quan đến các vụ kiện tụng đã để lại hậu quả. NASA đã bị cấm làm việc theo hợp đồng trong khi GAO xem xét vụ việc và cơ quan vũ trụ đã đồng ý rằng họ cũng sẽ ngừng công việc cho đến ngày 1/11. Điều đó có thể tiếp tục trì hoãn chương trình bay vào vũ trụ của con người.
Trong một tuyên bố với The Post vào tháng 4, Elon Musk đã chỉ ra rằng giá thầu của Blue Origin là 6 tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi so với giá thầu mà SpaceX đã bỏ ra.
"Giá thầu BO quá cao. Gấp đôi SpaceX trong khi SpaceX có nhiều tiến bộ về phần cứng hơn. Tôi nghĩ ông ấy (Jeff Bezos) cần phải chạy BO toàn thời gian để nó thành công. Thành thật mà nói, tôi hy vọng ông ta làm được điều đó", tỷ phú Elon Musk chia sẻ.
SpaceX, Amazon và Blue Origin đang tái hiện vai trò của Mỹ và Liên Xô vào thời kỳ đầu của Kỷ nguyên Không gian. Sự cạnh tranh đó đã thúc đẩy NASA đưa các phi hành gia lên mặt trăng. Điều này cũng có thể xảy ra, một khi tòa án đưa ra kết luận.
Tuy nhiên, điều này cho thấy không gian đã trở nên giống như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác và cuộc chiến đi vào vũ trụ cũng giống như bất kỳ cuộc chiến nào khác, tương tự Coke và Pepsi, Avis và Hertz, hay Microsoft và Apple.