Thương vụ Ronaldo trở lại M.U dưới con mắt lãnh đạo CLB: Doanh số áo đấu kỷ lục không bằng giá trị 'vô hình' mà siêu sao người Bồ mang lại
Vào hôm thứ 7 (11/9) Cristiano Ronaldo đã có một màn ra mắt không thể tuyệt vời hơn khi trở về sân Old Trafford sau 12 năm. Tiền đạo người Bồ Đào Nha đã có một cú đúp để giúp Manchester United (M.U) đánh bại Newcastle với tỉ số 4 - 1. Trước đó, M.U đã nhanh chóng hoàn tất bản hợp đồng với siêu tiền đạo người Bồ, qua đó đưa anh trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất giải Ngoại hạng Anh dù CR7 nay đã 36 tuổi.
Theo tờ Financial Times, Ronaldo sẽ tiêu tốn ít nhất 83 triệu USD, tương đương khoảng 5% doanh thu dự kiến của M.U trong hai năm tới. Con số này không phản ánh qua doanh thu áo đấu hay các bản hợp đồng quảng cáo. Thay vào đó, các Giám đốc điều hành lại nhìn ra cái lợi vô hình nhiều hơn.
M.U có niềm tin rằng Ronaldo sẽ nâng cao các tiêu chuẩn trong đội, xoa dịu những người hâm mộ đã phản đối việc câu lạc bộ tham gia vào dự án European Super League và thu hút một thế hệ người ủng hộ mới trên toàn thế giới.
M.U đã đánh bại Manchester City trong cuộc giành chữ ký của siêu sao người Bồ. Với mức phí chuyển nhượng 15 triệu euro được trả góp trong vòng 5 năm, cùng với khoản phí phụ trợ lên đến 8 triệu euro tùy vào đóng góp, M.U đã thuyết phục Juventus và đưa Ronaldo về lại với mái nhà xưa.
Với việc người hâm mộ quay trở lại các sân vận động, M.U đặt mục tiêu có thể chạm tới doanh thu hàng năm trước đại dịch là hơn 830 triệu USD, trở thành một trong những đội bóng giàu nhất thế giới.
Và tác động của cuộc hội ngộ này đã ngay lập tức xuất hiện. Sân Old Trafford đã bán sạch vé cho mùa giải này. Trước khi quay về M.U, Ronaldo đã giúp Juventus kiếm thếm tiền từ các nhà tài trợ. Số tiền tài trợ nhận hàng năm của câu lạc bộ Italy tăng từ 143 triệu euro lên 175 triệu euro trong ba năm thi đấu của CR7 tại Turin, theo công ty tư vấn KPMG.
Tác động tương tự không được mong đợi ngay lập tức ở United, bởi lẽ M.U là đội có thu nhập thương mại là 386 triệu USD vào năm 2020 - một con số đáng mơ ước với nhiều CLB khác. Bên cạnh đó, giữa thời điểm đại dịch, M.U vẫn đạt được hợp đồng tài trợ áo đấu trong 5 năm trị giá 325 triệu USD với công ty công nghệ Đức TeamViewer.
Phần lớn doanh thu từ việc bán áo đấu do nhà sản xuất Adidas tài trợ, mặc dù câu lạc bộ kiếm được lợi nhuận cao hơn từ doanh số bán hàng thông qua trang web chính thức do Fanatics, một nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Mỹ điều hành.
Trên toàn cầu, doanh số bán áo đấu của Ronaldo đã đạt 259 triệu USD, còn Messi xếp sau với 144 triệu USD, theo thống kê từ sàn giao dịch LoveTheSales được tờ GiveMeSports trích dẫn.
Stuart McClure, đồng sáng lập LoveTheSales cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi doanh số bán bộ trang phục “Ronaldo 7” phá kỷ lục trên khắp các nhà bán lẻ trực tuyến, hiện tại nhu cầu hiện đã vượt nhiều hơn cung.
Các tìm kiếm trực tuyến cho áo “Ronaldo 7” đã tăng hơn 600% so với mùa hè năm ngoái. Đây là bản hợp đồng mùa hè cực kỳ hiệu quả của M.U".
Chỉ riêng giờ bán hàng đầu tiên áo đấu “Ronaldo 7” đã vượt qua doanh số bán hàng toàn cầu trong ngày tốt nhất từ trước đến nay của United Direct, trang web bán hàng chính thức của đội chủ sân Old Trafford.
Trên toàn bộ mạng Fanatics, Ronaldo đã trở thành cầu thủ bán áo đấu được nhiều tiền nhất từ trước đến nay trong 24 giờ sau khi chuyển đến một CLB mới. Anh đã vượt qua Messi khi gia nhập PSG, Bryce Harper chuyển đến Philadelphia Phillies trong môn bóng chày, Tom Brady gia nhập Tampa Bay Buccaneers trong bóng bầu dục Mỹ và LeBron James đến LA Lakers trong bóng rổ nhà nghề Mỹ, theo ESPN.
Bên cạnh đó, M.U nhận thấy lợi ích từ việc mang Ronaldo quay trở lại trên các nền tảng thuyền thông vì siêu sao người Bồ có lượt theo dõi trên Instagram lớn nhất thế giới với 340 triệu người.
Trong khi người ta hi vọng Ronaldo có thể đưa M.U trở lại tranh giành những danh hiệu, các giám đốc điều hành câu lạc bộ tin Ronaldo cũng sẽ thu hút nhiều khán giả trẻ và quốc tế hơn, điều này có thể mang lại lợi ích cho câu lạc bộ trong nhiều năm tới.
"Từ quan điểm thương mại, Manchester United mua lại Ronaldo giống như đưa nhiên liệu tốt nhất vào chiếc xe nhanh nhất, nhưng đó không phải là lý do tại sao chúng tôi làm điều đó," một người tham gia trực tiếp về thương vụ chia sẻ với Financial Times.