|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài 3: Thêm nhiều cơ hội cho nông sản, thủy sản Việt

13:35 | 03/05/2023
Chia sẻ
Sau Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai có hơn 180 km đường biên, là địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới khá tấp nập, nhộn nhịp. Chúng tôi tiếp tục chuyến khảo sát hoạt động thương mại biên giới tại Lào Cai để ghi nhận những nỗ lực, đổi mới của tỉnh để tạo mọi điều kiện xuất khẩu hàng hóa sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Nông sản tấp nập lên cửa khẩu

Ông Vàng Kim Sinh, thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ, trong những năm gần đây, gia đình ông cùng các hộ dân ở thôn trồng chuối để phát triển kinh tế. Kỹ thuật trồng chuối đơn giản, tạo thu nhập cao hơn trồng khoai sắn. Nhiều hộ dân trong thôn giàu lên từ trồng chuối.

Ông Vàng Kim Sinh cho hay quy trình trồng chuối phải chăm sóc, bảo quản kỹ lưỡng. (Ảnh: VGP/Thu Giang).

"Tôi thu gom chuối của người dân trên cả xã A Mú Sung, Nậm Chạc, Cốc Mỳ… cộng với phần của mình mới đủ một contaner để xuất qua cửa khẩu Kim Thành. Một container khoảng 3.300 hộp chuối. Từ đầu năm, được mấy container qua cửa khẩu rồi", ông Vàng Kim Sinh phấn khởi nói.

Mấy năm COVID-19, chuối của người dân xã Bát Xát chỉ bán được trong nội địa, thời điểm cao nhất bán được giá 3 nghìn đồng/kg, còn hiện nay khi cửa khẩu đã mở cửa trở lại, chuối xuất sang Trung Quốc được giá cao hơn gấp 2 lần (7 nghìn đồng/kg).

"Chúng tôi phải đi xem hàng, chụp ảnh gửi cho chủ hàng bên Trung Quốc thẩm định. Nếu được thì chặt, rồi đóng hộp, phải cẩn thận, xước một quả là bên kia họ bỏ luôn. Quá trình trồng cũng phải chăm sóc, bảo quản kỹ lưỡng. Nhiều khi không có hàng để bán", ông Vàng Kim Sinh nói. 

Thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 186 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 92,4 triệu USD tăng 90,1%, nhập khẩu đạt 93,2 triệu USD tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai Dương Xuân Sinh chia sẻ cùng Báo Điện tử Chính phủ. (Ảnh: VGP/Tuấn Dũng).

Nông sản hiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đạt giá trị hơn 71 triệu USD, tăng 63,2% và chiếm tỷ trọng 76,8% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm thanh long, chuối, chôm chôm, dưa hấu, sắn, sầu riêng...

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đã phát triển khởi sắc hơn các năm trước do phía Trung Quốc đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch nên các loại nông sản hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai thuận lợi hơn.

Để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong làm thủ tục thông quan hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã tăng thời gian làm thủ tục cả buổi trưa và buổi chiều. 

Ông Dương Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết, thời gian qua, Hải quan Lào Cai đã tiếp tục triển khai thực hiện mô hình hải quan điện tử VNACCS/VCIS và thu nộp thuế điện tử, triển khai các thủ tục của các bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.

Đồng thời, duy trì thực hiện tốt các điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ vận hành "Luồng ưu tiên" thông quan đối với hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Trung Quốc) từ ngày 28/6/2019 đến nay.

Trong khi đó, lực lượng biên phòng cũng tăng cường nhân lực điều tiết giao thông khu vực cửa khẩu, hướng dẫn lái xe hàng xuất nhập khẩu dừng đỗ đúng nơi quy định. Được biết, mỗi ngày có khoảng 300 xe xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai.

"Chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ hoạt động trên khu vực biên giới cửa khẩu, cùng với triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần trạng thái mới để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu trên cửa khẩu biên giới", Trung tá Nguyễn Trọng Tuệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai nói.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng cũng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Y tế, Kiểm dịch để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện, hàng hóa lưu thông qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu trên biên giới Cửa khẩu quốc tế Kim Thành, cũng như hoạt động du lịch, thăm thân tại khu vực Cửa khẩu quốc tế đường bộ, trên cơ sở nguyên tắc là chấp hành và thực hiện nghiêm hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý biên giới cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Nâng cao hơn nữa mức độ kết nối

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc. Nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký một số Nghị định thư về xuất khẩu nông sản. Việc Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới từ 8/1 năm nay sau thời gian hạn chế vì đại dịch COVID-19 là cơ hội để nhiều loại nông sản, thủy sản của Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, cơ hội cũng song hành cùng thách thức nếu doanh nghiệp muốn tập trung khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này.

Các điều kiện về cơ sở vật chất được duy trì tốt để phục vụ vận hành "Luồng ưu tiên" thông quan đối với hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Trung Quốc). (Ảnh: VGP/PL).

Thông tin về nhu cầu từ phía Trung Quốc, ông Tô Vạn Quang, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết, trong năm 2023, công ty dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác.

Hiện tại, với sự giúp đỡ to lớn từ các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng (tỉnh Quảng Tây).

Chính quyền TP. Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch.

Thêm một tin vui được bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) chia sẻ là cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) đã chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực.

Như vậy, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng cùng cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) trở thành hai cặp cửa khẩu đường bộ được phép xuất nhập khẩu khẩu lương thực vào thị trường Trung Quốc.

Dự kiến, lượng lương thực được làm thủ tục thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng đạt tối đa là 200.000 tấn/năm.

Theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập".

Từ phía Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Quản ký thương vụ và cửa khẩu TP. Đông Hưng, ông Hoàng Vệ nhấn mạnh Đông Hưng hoan nghênh phía Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu Móng Cái. 

Đông Hưng sẽ tích cực phối hợp với Móng Cái tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông quan hàng hóa,  cũng như giao lưu nhân dân qua cặp cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái.

Ông Hoàng Vệ cho biết trong năm 2023, Cục Quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động vật, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. 

Cửa khẩu Đông Hưng cũng sẽ phối hợp với TP. Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4. Các tiêu chuẩn này sẽ do chi nhánh Quảng Tây của Tập đoàn Kiểm nghiệm Trung Quốc (CCICGX) xây dựng.

Bên cạnh đó là nâng cao hơn nữa mức độ kết nối, đẩy nhanh việc xây dựng cầu phao mới trong Khu thương mại biên giới Đông Hưng/ Hải An Km3+4; thúc đẩy việc xây dựng cửa khẩu đường sắt Đông Hưng và cầu sông Bắc Luân thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò  quan trọng của hành lang đất liền - biển mới phía tây cửa khẩu Đông Hưng.

Phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam cùng chung tay cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh tại cảng hai bên, giảm chi phí thông quan, tạo thuận lợi trong thông quan, cùng nâng cao năng lực cạnh tranh của cửa khẩu Đông Hưng-Móng Cái.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc đã sôi động ngay từ những tháng đầu năm 2023. Ông Phú nhấn mạnh chủ điểm của hoạt động xúc tiến xuất khẩu năm nay đối với thị trường Trung Quốc tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các địa phương có thể xuất khẩu sản phẩm của mình theo con đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Thu Giang - Tuấn Dũng - Phương Liên