|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu về xuất khẩu: Chỉ có hai địa phương xuất khẩu tăng trưởng dương

08:00 | 01/05/2023
Chia sẻ
Bắc Giang và Vĩnh Phúc là hai tỉnh trong nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu về xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong quý I/2023.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023, TP HCM tiếp tục là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 9,41 tỷ USD, Bắc Ninh đứng thứ hai với 9,26 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 6,88 tỷ USD. 

Tuy nhiên do tình hình kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đang gặp khó khăn, xuất khẩu cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng chịu tác động khá rõ rệt.

Trong nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu về xuất khẩu chỉ có Bắc Giang và Vĩnh Phúc đạt kim ngạch xuất khẩu quý I cao hơn cùng kỳ, còn lại đều tăng trưởng âm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Giang đạt 5,27 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ, Vĩnh Phúc đạt 2,19 tỷ USD, tăng hơn 36%.

 

Bắc Giang dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt 27 tỷ USD

Với kết quả xuất khẩu khả quan, tăng trưởng GRDP của Bắc Giang trong quý I cũng ở mức khá, đạt 8,4%, đứng thứ 8 cả nước. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I cũng tăng 10,45% so với cùng kỳ. 

Tính riêng tháng 3, các ngành sản xuất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn vẫn có mức tăng như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,6% so với cùng kỳ (quý I tăng 15,4%), sản xuất thiết bị điện tăng 13,9% so với cùng kỳ (quý I tăng 17,8%), sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 39,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, một số ngành sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tháng 3 giảm so với cùng kỳ, như may mặc (giảm 23,1%), sản xuất xe có động cơ (giảm 24,5%); sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi (giảm 10,8%),... vẫn gặp khó khăn do các đơn hàng giảm, giá nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn tăng cao, cầu tiêu dùng giảm. 

 

Về xuất khẩu, năm 2023, Bắc Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm trước.  

Riêng về mặt hàng vải thiều - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, Sở Công Thương tỉnh dự báo, năm 2023, sản lượng vải toàn tỉnh đạt 180.000 tấn. 

Sở Công Thương cũng cho biết địa phương đang có hơn 200 ha diện tích trồng cây vải thiều đủ tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Dự kiến, trong năm nay, sản lượng vải thiều xuất sang thị trường này đạt 1.500 tấn.  

Về thu hút FDI, số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 4 tháng đầu năm, Bắc Giang đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội) với hơn 1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ xếp thứ 9 chỉ với 17,65 triệu USD.

Các chỉ số của Vĩnh Phúc đều kém, ngoại trừ xuất khẩu

Trái ngược với Bắc Giang xuất khẩu tăng trưởng dương và cùng với đó là tăng trưởng GRDP, sản xuất công nghiệp, thu hút FDI đều tăng, thì Vĩnh Phúc dù xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ nhưng các chỉ số khác đều xấu.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý I sụt giảm 2,47%,  thấp thứ 4 cả nước, 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính chung ba tháng đầu năm 2023, IIP của tỉnh ước giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước.  

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 445 doanh nghiệp, tăng 41,72% so với cùng kỳ.  

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tính đến 15/3/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 6.952 tỷ đồng, giảm 24,65% so với cùng kỳ và đạt 22,94% dự toán giao đầu năm.

Về thu hút FDI, 4 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 74,1 triệu USD, đứng thứ 18 cả nước.   h

Anh Đào