|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bác quan điểm 'virus lan truyền tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng'

15:23 | 12/03/2020
Chia sẻ
Trước thông tin rộ lên về việc để virus lan truyền sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long bác bỏ và cho rằng Việt Nam không thể làm như thế.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long là người đại diện ngành y tế tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11/3.

Tại đây, ông Long dành nhiều thời gian giải thích về cơ chế lây lan của dịch bệnh cũng như ý nghĩa của các biện pháp phòng, chống dịch. Ông khẳng định ngành y tế có khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, 16 ca đã chữa khỏi, kể cả trường hợp cao tuổi, có bệnh nền.

Không thể để virus lan truyền tự nhiên

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chính thức bác bỏ thông tin rộ lên vài ngày qua về việc giảm can thiệp, kiểm soát để virus lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng.

“Việt Nam không thể làm như thế vì tiềm lực không đủ để ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng cao. Đặc biệt, với nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi cũng không thể đủ sức chống đỡ khi Việt Nam không có nhiều viện dưỡng lão, gia đình nào cũng có người già, người trẻ cùng chung sống”, Thứ trưởng Long giải thích.

Ông nhấn mạnh chỉ có kiểm soát để làm chậm quá trình lây lan, phát tán của dịch mới là giải pháp tốt và giúp chống dịch thành công.

Bác quan điểm 'virus lan truyền tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng' - Ảnh 1.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch đang bàn với Hà Nội thu hẹp phạm vi cách ly ở Trúc Bạch vì những người dân ở đây xét nghiệm đã có kết quả âm tính. Ảnh: Phạm Thắng.

Khẳng định mọi thông tin về dịch Covid-19 được công bố minh bạch, kịp thời, không che giấu, song theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, hiện vẫn có quá nhiều nhận thức sai lầm về công tác phòng chống dịch, gây tâm lý xã hội hoang mang.

Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng vào giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, không hoang mang, lo sợ.

Cách ly là biện pháp đúng trong mọi trường hợp

Ông Long dẫn trường hợp ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và phố Trúc Bạch (Hà Nội) để nhấn mạnh trong phòng, chống dịch bệnh thì cách ly là biện pháp đúng trong mọi trường hợp.

Từ kinh nghiệm cách ly ở Sơn Lôi, ông cho biết Ban chỉ đạo quốc gia đang bàn với Hà Nội thu hẹp phạm vi cách ly ở Trúc Bạch vì những người dân ở đây xét nghiệm đã có kết quả âm tính.

Với phương châm hành động sớm để cách ly, khoanh vùng và dập dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày với các vòng cách ly khác nhau, dù việc này có thể gây xáo trộn cho người dân.

Thứ nhất, cách ly tại các cơ sở y tế đối với những người dương tính, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F0, F1).

Thứ hai, cách ly tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người bệnh (F2, F3).

Thứ ba, cách ly tại các cơ sở quân đội, công an và cơ sở lưu trú do chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo đối với những cá nhân từ các nước ở vùng dịch về Việt Nam. “Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ thực hiện cách ly cho phù hợp để làm chậm quá trình lây lan của virus và giảm tối đa lây nhiễm”, ông Long nói.

Bác quan điểm 'virus lan truyền tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng' - Ảnh 2.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế bác bỏ thông tin để virus lan truyền tự nhiên, nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về điều trị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết bệnh nhân phát hiện ở tuyến nào thì điều trị trực tiếp ở tuyến đó và tránh tình trạng điều trị tập trung.

Ông nêu “bài học đắt giá” ở Vũ Hán cho thấy cần tránh tập trung lượng bệnh nhân quá lớn ở một địa điểm, một tuyến điều trị. Do gom, dồn lượng bệnh nhân quá lớn vào Vũ Hán, ngành y tế tại đây bị quá tải, không đủ lực lượng để làm công tác chuyên môn.

Nhận định 80% số bệnh nhân nhiễm Covid-19 có biểu hiện nhẹ, thường tự khỏi, Việt Nam đã phân bố ở tất cả các tuyến, không vận chuyển lên tuyến trên để tránh hiện tượng quá tải.

Các bề mặt trên máy bay là nguồn lây nhiễm cao

Giải thích thêm về cơ chế lây lan dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết virus lây lan trong giọt bắn khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Đường lây nhiễm thứ hai là bắt tay và đường thứ ba là tiếp xúc với các bề mặt, như tay ghế, nắm cửa...

Theo ông, việc lây lan trên máy bay từ chuyến bay VN54 vừa rồi ngoài qua giọt bắn trong không khí, còn lây qua những bề mặt virus bám dính mà tay người buộc phải tiếp xúc.

Bác quan điểm 'virus lan truyền tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng' - Ảnh 3.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Ngọc Tân.

Với hơn 10 ca nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN54, ông Long dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng khả năng các bệnh nhân bị lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đầu tiên - bệnh nhân 17. Cơ chế lây nhiễm từ những bề mặt như tay ghế, tựa đầu, tay nắm cửa, vòi nước phòng vệ sinh… Hoặc lây trên máy bay khi người bệnh ho, hắt hơi làm đào thải virus ra môi trường.

Ông Long nhận định chính những giọt bắn phát tán từ người mắc bệnh rơi xuống, bám dính trên các bề mặt khiến người chạm vào tay ghế, sử dụng phòng vệ sinh sau sẽ bị lây nhiễm.

“Số lượng phòng vệ sinh trên máy bay hạn chế, trong những chuyến bay dài, đây là nơi có nguy cơ cao nhất dẫn đến lây nhiễm virus”, ông Long nói.

Trong khi đó, việc truy tìm lại hành khách trên chuyến bay, như chuyến VN54 vừa rồi không đơn giản, thậm chí được ông Long ví như “tìm những hạt cát đã được ném tung ra ngoài”.

“Đến đêm 10/3, chúng tôi mới hoàn tất được việc tra soát hành khách đi trên chuyến bay, mất 5 ngày kể từ khi xác định bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên trên chuyến bay. Chúng tôi đã phải dùng mọi biện pháp kỹ thuật, điện tử mới tìm ra được đủ số khách”, ông Long chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tốc độ tìm kiếm những người có nguy cơ đã ngày càng nhanh hơn nhờ vào việc thực hiện khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh Việt Nam.

Hoài Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.