|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ khôi phục sản xuất bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tăng

07:15 | 21/04/2020
Chia sẻ
Một số cửa hàng, doanh nghiệp, nhà máy mở cửa trở lại tại vùng nông thôn, ngoại thành ở Ấn Độ vào ngày 20/4 sau khi hàng triệu người mất việc làm, thiếu lương thực vì lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống COVID-19.
Ấn Độ khôi phục sản xuất bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tăng - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất được phép khôi phục tại các vùng nông thôn, ngoại thành ở Ấn Độ từ ngày 20.4. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi cuối tháng 3 tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày. Đến ngày 14.4, chính phủ kéo dài lệnh phong tỏa đến 3.5 tại đất nước 1,3 tỉ dân để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo lệnh phong tỏa, người dân bị cấm ra ngoài, ngoại trừ đi mua dược phẩm và thực phẩm.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa khiến hàng trăm ngàn lao động nhập cư không thể trở về quê, mắc kẹt tại các thành phố lớn và sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, không thể trả tiền thuê nhà.

Vì thế, chính phủ Ấn Độ sau đó thông báo các nhà máy và ngành nông nghiệp được phép khôi phục sản xuất từ ngày 20.4 tại những khu vực nông thôn, ngoại thành ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Chính phủ Ấn Độ có động thái này bất kể số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng 1.500 ca trong ngày 19.4, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 17.600, với hơn 550 người chết vì COVID-19.

Các doanh nghiệp nhỏ đã mở cửa trở lại tại khu vực nông thôn, ngoại thành ở bang Uttar Pradesh cùng một số nơi khác. Tuy nhiên, cảnh sát tăng cường lực lượng tuần tra để đảm bảo người dân duy trì quy tắc giãn cách xã hội.

Ông Ramkumar Sharma, chủ xưởng mộc ở ngoại ô thành phố Lucknow (Uttar Pradesh) cho biết ông đã mở cửa kinh doanh trở lại và hoan nghênh quyết định của chính phủ. Gần đó, một nhóm nhỏ công nhân xây dựng tập trung tại công ty môi giới lao động với hy vọng được thuê làm việc, nhưng cảnh sát đến yêu cầu họ phải giải tán, theo Reuters.

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế trị giá 2,9 nghìn tỉ USD của Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một thập niên qua. 

Các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, thậm chí là 0% trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1.4, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động ở Ấn Độ.

"Do đó, chính phủ tập trung vào các ngành công nghiệp và nông nghiệp có chọn lọc, đồng thời thực hiện chương trình đảm bảo công ăn việc làm ở khu vực nông thôn", bà Punya Salila Srivastava, quan chức chịu trách nhiệm chương trình tái khởi động nền kinh tế của Bộ Nội vụ Ấn Độ, nói với Reuters.

Bên cạnh đó, khoảng 60% trong số hơn 17.600 ca nhiễm là tại 5 trong tổng số 28 bang của Ấn Độ. 

“Vì thế, chính phủ tập trung dập dịch tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, như vùng thủ đô Delhi và thành phố Mumbai, cùng lúc cho phép địa phương khác khởi động lại hoạt động kinh doanh, sản xuất”, một quan chức khác của Bộ Nội vụ cho biết.

Ấn Độ khôi phục sản xuất bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tăng - Ảnh 2.

Một cơ sở tiện mở cửa trở lại ở ngoại ô thành phố Kolkata, Ấn Độ ngày 20.4Reuters

Khoảng 4.000 nhà máy khôi phục hoạt động tại bang phía tây Gujarat, vốn là một trong những khu vực có nền công nghiệp phát triển mạnh nhất ở Ấn Độ. 

“Các công ty nhỏ, vừa và lớn trong những lĩnh vực như hóa chất, kỹ thuật, dệt may, nhựa, bao bì và ô tô được phép khôi phục sản xuất”, ông Ashwani Kumar, thư ký của Thủ hiến bang Gujarat, nói.

Trong khi đó, phe đối lập chỉ trích Thủ tướng Modi và cho rằng chính phủ lẽ ra ngay từ đầu phải lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm bớt tác động đến nền kinh tế.

"Lệnh phong tỏa mang lại sự khốn khổ chưa từng thấy cho hàng triệu nông dân, người lao động và chủ doanh nghiệp", ông Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập, bình luận trên Twitter.

Hiện Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường xét nghiệm để cô lập các điểm nóng COVID-19 và cho phép doanh nghiệp ở những khu vực khác dần dần mở cửa trở lại, theo ông Gandhi.

Trong ngày 19.4, Ấn Độ đã xét nghiệm 27.824 người, mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 40.000 người/ngày và chính phủ muốn tăng lên 100.000 người/ngày.

Phúc Duy