|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

5 'ông lớn' Việt Nam sắp xuất lô sữa chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc

20:47 | 25/09/2019
Chia sẻ
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, khoảng trung tuần tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
bo_sua_vqoh

Việt Nam đặt kế hoạch tăng tổng đàn bò sữa 500 nghìn con vào năm 2020.

Ngày 24/9, tại diễn đàn về thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa, lễ ra mắt nhóm công tác PPP ngành hàng chăn nuôi, ông Chinh cho biết, việc xuất khẩu biên mậu các sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã có từ lâu.

Tuy nhiên, sau khi có nghị định thư giữa hai nước, đây là đầu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân bằng đường chính ngạch.

Theo ông Chính, đến nay, các bước cơ bản đã chuẩn bị xong. Việt Nam đã đăng ký 5 doanh nghiệp đầu tiên để xuất khẩu sữa sang Trung Quốc là Vinamilk, TH True milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.

“Phía Trung Quốc đang xem xét hồ sơ của các DN này và sẽ cấp mã số xuất khẩu. Sau khi có mã số đó, các DN sẽ xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Dự kiến, lô hàng sữa đầu tiên xuất khẩu Chính ngạch sang Trung Quốc vào trung tuần tháng 10/2019 tới”, ông Chinh nói.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, các DN Việt Nam đang tiếp cận ở hai phân khúc, là mặt hàng cao cấp dành cho phân khúc người thu nhập cao và hàng bình dân. Cả hai phân khúc này, giá đều rất tốt cho các DN sữa Việt Nam.

“Mới đây, qua khảo sát một DN chuẩn bị xuất khẩu, cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao sự an toàn, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hương vị với các dạng sửa lỏng, sữa chua…”- ông Chinh nói.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã xuất khẩu sữa tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%.

Tuy nhiên, ông Duy nhận định, thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam. 

Bởi, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.

Dự báo năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750 nghìn tấn và khoảng 650 nghìn tấn sữa bột. Đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành sữa đẩy mạnh xuất khẩu.

Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất.

“Trung Quốc là thị trường khó tính, quy định kiểm soát có thay đổi thường xuyên. Để giải quyết vấn đề, thúc đẩy xuất khẩu sữa sang Trung Quốc cần nắm đầy đủ và thực hiện đúng nội dung quy định trong Nghị định thư. Với các thị trường khác như Indonesia, Malaysia, Philippines…cần chú ý tập quán tiêu dung về sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường”, ông Duy nói.

Theo Cục Chăn nuôi, đến năm 2018 tổng đàn bò sữa cả nước trên 294 nghìn con, tăng gần 11%, sản lượng gần 940 nghìn tấn. 

 Đến nay, tổng đàn của TH True milk nuôi gần 50.000 con, Vinamilk 27.000 con và 120.000 con nuôi liên kết, Mộc Châu milk khoảng 25.000 con, Nitifood 5.000 con…

Mục tiêu đến năm năm 2020, tổng đàn bò Việt Nam đạt 500.000 con, sản lượng 1 triệu tấn sữa, tăng trường bình quân 11%/năm và đến năm năm 2030, tổng đàn bò lên 700.000 con, sản lượng sữa tới 2 triệu tấn.

Nam Khánh