|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Trump ra lệnh ngừng đúc đồng penny, lạm phát Mỹ liệu có nóng lên?

13:45 | 11/02/2025
Chia sẻ
Penny là đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất nước Mỹ, trị giá 0,01 USD. Từ lâu đã có ý kiến hoài nghi về sự hữu ích của đồng penny, nhưng một số người lo ngại việc loại bỏ nó có thể khiến giá cả hàng hóa gia tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng sản xuất đồng penny là lãng phí. (Ảnh minh hoạ: Getty Images/People). 

Hôm 9/2, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ ngừng đúc đồng penny (trị giá 0,01 USD). Động thái này là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt chi tiêu lãng phí.

Tuy nhiên, quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng đã khơi gợi lại những cuộc tranh luận kéo dài về việc loại bỏ đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất nước Mỹ.

Mỹ tốn bao nhiêu tiền để đúc đồng penny?

Trong năm 2024, mỗi đồng penny tốn 0,037 USD để sản xuất, cao hơn những năm trước đó. Chi phí để sản xuất mỗi đồng penny trong năm 2023, 2022 và 2021 lần lượt là 0,0307 USD, 0,027 USD và 0,021 USD.

Chi phí sản xuất đồng penny cao hơn hẳn giá trị của nó. Đây là nguyên nhân khiến năm ngoái Cục Đúc tiền Mỹ lỗ 85,3 triệu USD khi xuất xưởng gần 3,2 tỷ đồng penny.

 

Đồng penny được đúc từ kim loại gì?

Ngày nay, đồng penny được sản xuất chủ yếu từ kẽm và một lượng nhỏ đồng. Hồi năm 2023, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã trình bày dự luật nhằm cho phép Cục Đúc tiền thay đổi hàm lượng kim loại trong penny. Các nghị sĩ lập luận rằng sự thay đổi đó sẽ giúp chính phủ bớt tốn kém hàng triệu USD mỗi năm.

Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của chính phủ, Cục Đúc tiền Mỹ ước tính họ có thể tiết kiệm khoảng 250 triệu USD trong 10 năm nếu ngừng sản xuất đồng penny.

Lợi ích gì từ việc loại bỏ đồng penny?

Ông Trump không phải người đầu tiên nghi ngờ về sự cần thiết của đồng penny. Cục Đúc tiền và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đề xuất giảm sản xuất các đồng xu mệnh giá nhỏ vì chi phí đắt đỏ.

Trong bối cảnh các hình thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến, nhiều người coi tiền giấy là bất tiện và tiền xu là không cần thiết. Năm ngoái, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rằng mỗi năm người Mỹ vứt đi tới 68 triệu USD tiền xu. Chúng bị bỏ lại ở các sân bay hoặc bị lãng quên trong các hộp đựng tiền lẻ.

Trong cuộc khảo sát do Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi Mỹ tiến hành trong tháng 2, ban đầu 36% người trả lời ủng hộ việc loại bỏ đồng penny. Tỷ lệ này tăng lên thành 50% sau khi những người tham gia khảo sát được cho biết về chi phí sản xuất chúng.

Rủi ro gì từ việc loại bỏ đồng penny?

Một số người sợ rằng việc loại bỏ đồng tiền mệnh giá thấp này sẽ kéo giá cả đi lên. Ông Joshua Dairen, chủ hàng cà phê ở thành phố Opelikab, bang Alaska, lo ngại việc loại bỏ đồng penny sẽ thúc đẩy khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hoặc thậm chí không bước vào quán.

Ông giải thích rằng các thương nhân phải trả phí xử lý thẻ tín dụng, do đó hình thức thanh toán này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Khoảng 30% khách hàng của ông thanh toán bằng tiền giấy và xu. Ông nói thêm: “Nếu mọi người đều dùng thẻ thì tôi sẽ phải đẩy chi phí đó về phía khách hàng”.

Ngoài ra, nếu penny biến mất hoàn toàn khỏi lưu thông, giá cả một số sản phẩm sẽ bị làm tròn lên. Ông Sergio Briones, chủ cửa hàng tiện lợi ở thành phố Laredo, bang Texas, lo ngại điều này sẽ gây khó khăn cho khách hàng. Khoảng 70% khách hàng của ông thanh toán bằng tiền mặt, thường là những mặt hàng nhỏ như kẹo cao su hoặc nước uống.

Ông cho biết: “Vốn dĩ biên lợi nhuận của cửa hàng tôi cũng chỉ mỏng như tờ giấy”. Tuy nhiên việc tăng giá một món đồ từ 0,96 USD lên 1 USD tròn cũng sẽ khiến khách hàng của ông không kham nổi.

Mặt khác, giá cả một số hàng hóa có thể được làm tròn xuống. Ông Jeff Lenard, Phó Giám đốc Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi Mỹ, cho rằng việc làm tròn giá cả lên xuống các mốc 0,05 USD sẽ không ảnh hưởng đến hóa đơn tổng thể của khách tại cửa hàng tiện lợi.

Lý do khác khiến một số người phản đối việc loại bỏ đồng penny là điều đó có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng nickel. Mỗi đồng nickel tương ứng với 0,05 USD nhưng tốn gần 0,14 USD để sản xuất.

Kinh nghiệm của các nước

Năm 2012, chính phủ Canada thông báo sẽ ngừng đúc đồng penny cũng vì mức chênh lệch lớn giữa mệnh giá và chi phí sản xuất.

Canada không còn sản xuất đồng penny nữa, nhưng những người còn sở hữu chúng vẫn có quyền sử dụng khi thanh toán. Khi đồng penny dần rời khỏi lưu thông, các thanh toán tiền mặt được làm tròn đến đồng nickel gần nhất.

Chính phủ Canada lưu ý rằng khi New Zealand và Australia ngừng sản xuất đồng một xu ở nước họ vào thập niên 1990, điều đó đã không khiến lạm phát gia tăng.

Ông Trump có quyền loại bỏ đồng USD không?

Quyền hành của Cục Đúc tiền Mỹ được cấp bởi Quốc hội. Quốc hội Mỹ cấp phép cho mọi đồng xu và hầu hết các huân chương mà Cục Đúc tiền sản xuất, đồng thời giám sát các hoạt động của cơ quan này. Nhưng tổng thống Mỹ có thể có quyền tác động đến việc sản xuất tiền xu.

Ông Robert Whaples, nhà kinh tế tại Đại học Wake Forest, chỉ ra: “Ông Trump không tuyên bố loại bỏ vĩnh viễn đồng penny - quyền ra quyết định này nằm ở Quốc hội. Thay vào đó, ông ngừng sản xuất các đồng penny mới. Quyết định sản xuất bao nhiêu đồng penny mỗi năm có vẻ thuộc về chính phủ”.

Giang

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.