Vì sao người Mỹ vẫn ‘ngoan cố’ dùng séc giấy bất chấp lừa đảo nhan nhản?
Các phương thức thanh toán kỹ thuật số đang ngày càng thống trị thế giới. Dẫu vậy, người Mỹ vẫn chưa từ bỏ séc giấy. Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy trung bình mỗi người Mỹ viết khoảng 30 tấm séc trong năm 2021, tần suất này gấp đôi nước dùng séc phổ biến thứ hai là Pháp.
Quẹt thẻ, chuyển khoản hay quét mã QR trên điện thoại nhanh chóng hơn nhiều việc nắn nót viết từng dòng trên séc giấy và đặc biệt là cũng an toàn hơn. Chỉ bằng các loại hóa chất thông dụng có thể tìm thấy trong mỗi căn nhà, kẻ lừa đảo đã có thể tác động lên séc giấy chứ không cần các kiến thức cao siêu về bảo mật hay internet.
Tuy nhiên, một bộ phận người Mỹ vẫn đều đặn dùng séc, khiến cho các ngân hàng tuyên bố họ không thể nào khai tử séc. Vậy, vì sao người Mỹ lại trung thành với phương thức thanh toán lằng nhằng và kém an toàn này đến vậy?
Hình thức của tờ séc
Séc của các ngân hàng có thể trông khác nhau, nhưng đều có một số đặc điểm chung. Ở phía trên cùng bên trái tờ séc là tên và thông tin liên lạc của người viết séc. Tên ngân hàng được in sẵn trên tờ séc.
Người thanh toán bắt buộc phải điền một số thông tin bao gồm ngày viết séc, người nhận tiền, khoản tiền thanh toán bằng số và bằng chữ. Cuối cùng, người thanh toán phải ký tên vào góc dưới cùng bên phải tờ séc. Chỉ khi đó tờ séc mới được coi là hợp lệ.
Lý do người Mỹ vẫn dùng séc
Lý do dễ thấy nhất khiến các cá nhân tiếp tục dùng séc là thói quen và tuổi tác. Các giao dịch phổ biến nhất liên quan tới séc là trả tiền thuê nhà, điện nước, thuế phí và quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Nhiều người cũng thích dùng séc thay vì tiền mặt khi gửi tặng bạn bè hay người thân. So với tiền mặt, séc vẫn có tính an toàn cao hơn, đặc biệt là nếu được gửi đi qua đường bưu điện. Người nhận séc cũng có thể nhanh chóng dùng tính năng trên smartphone để chuyển tiền từ séc vào tài khoản trực tuyến. Còn nếu nhận được tiền mặt, họ sẽ phải đến các cây ATM hoặc chi nhánh ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản.
Ngoài ra, khảo sát của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy có tới 75% người trên 65 tuổi ở Mỹ vẫn dùng séc. Những người lớn tuổi không lớn lên cùng các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số hoặc thanh toán di động, do đó họ không thoải mái với những công nghệ này và cảm thấy an tâm với phương thức chuyển tiền “hữu hình” hơn.
Một lý do quan trọng khác là tiết kiệm chi phí. Ở Mỹ, nhiều nhà bán lẻ tính phí từ 1,5% đến 3,5% cho các giao dịch thực hiện bằng thẻ tín dụng. Số tiền này có thể tích lũy thành khoản chi phí đáng kể, đặc biệt là đối với các giao dịch lớn. Việc viết séc sẽ giúp người mua hàng tiết kiệm tiền khi mua sắm.
Doanh nghiệp cũng có lý do để ưu tiên séc. Hành động viết, ký và gửi séc có thể tạo ra cảm giác về trách nhiệm và quyền lực cho người chịu trách nhiệm thanh toán. Doanh nghiệp cũng có khả năng tận dụng độ trễ từ lúc gửi séc tới khi người nhận rút tiền để quản lý dòng tiền hiệu quả hơn.
Các mánh khóe lừa đảo bằng séc
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết những kẻ lừa đảo thường xuyên sử dụng Telegram, Facebook và TikTok để chia sẻ mánh khóe và những ngân hàng dễ bị qua mặt. Cụ thể, chúng thường lợi dụng điểm yếu của ngân hàng là cho phép khách hàng chuyển hoặc rút tiền trước khi kiểm tra kỹ lưỡng séc.
Số vụ lừa đảo bằng séc tăng gần 400% trong năm ngoái, theo báo cáo tháng 9 của mạng lưới chống tội phạm tài chính FinCen. Hơn 800 tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng và liên minh tín dụng, đã nộp báo cáo cho thấy họ là nạn nhân của các trò gian lận séc liên quan tới đường bưu điện. FinCen ước tính thiệt hại của các tổ chức này có thể lên đến 688 triệu USD.
Bước đầu tiên của những kẻ lừa đảo là sửa đổi séc. Chúng có thể đánh cắp séc từ thùng thư và dùng hóa chất gia dụng để xóa số tiền gửi và người nhận, sau đó điền vào chỗ trống tài khoản mà chúng định tiếp cận. Hoặc chúng cũng có thể tìm đến các nơi bán bất hợp pháp để mua séc trắng.
Tiếp theo, kẻ lừa đảo dùng séc để nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, thường là thông qua các cây ATM. Bước cuối cùng là chủ tài khoản đó rút tiền theo nhiều giao dịch nhỏ thay vì một khoản lớn để tránh đánh động ngân hàng.
Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng tiếp cận ngay lập tức tiền nhận từ séc qua smartphone. Giới chuyên gia cho biết dịch vụ này giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng rút tiền trước khi nhà băng nhận thức được một vụ lừa đảo đã xảy ra.
Để đối phó, một số ngân hàng tự tiến hành điều tra những giao dịch khả nghi và khởi kiện lên tòa án. Trong một trường hợp, JPMorgan cho biết camera an ninh cho thấy một người bịt mặt đã đến đi đến máy ATM vào ngày 29/8 và gửi một tấm séc trị giá 335.000 USD vào tài khoản của một người đàn ông ở khu vực Houston. Ngay hôm sau, người đàn ông đó rút tiền thành nhiều phần.
Các nhà băng cũng hối thúc chính phủ giúp trấn áp nạn làm giả séc, nhưng các đặc vụ địa phương và liên bang thiếu nguồn lực để điều tra tất cả vụ việc khả nghi.
Ông David Maimon, trưởng bộ phận kiến thức về gian lận tại công ty SentiLink, chỉ ra: “Các ngân hàng cần tự xâu chuỗi manh mối và tiến hành mọi bước điều tra. Điều đó tốn rất nhiều thời gian”.
Số vụ án ít ỏi không đủ mang tính răn đe và do đó các trường hợp giả mạo séc vẫn đang tăng mạnh.