|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Nhật Bản trỗi dậy, số vụ lừa đảo cũng tăng theo

14:05 | 26/05/2024
Chia sẻ
Khi thị trường chứng khoán Nhật Bản trỗi dậy, số vụ lừa đảo đầu tư cũng bùng nổ. Một giáo sư cho biết các trường học Nhật Bản thường chỉ tập trung vào tiết kiệm và chi tiêu, giảng dạy rất ít về đầu tư và cách làm giàu.

Giá cổ phiếu Nhật Bản đang trên đà tăng. (Ảnh minh hoạ: EPA). 

Lừa đảo tăng vọt

Cảnh sát Nhật Bản cho biết trong quý I năm nay, s​ố tiền thiệt hại do lừa đảo đầu tư đã tăng gấp 7 lần so với một năm trước. Các số liệu mới nhất cho thấy có 1.700 vụ lừa đảo được báo cáo trong ba tháng đầu năm 2024, thiệt hại trung bình trong mỗi vụ là 13 triệu yen (tương đương khoảng 83.500 USD).

Ông Kazuhide Saijo, Giám đốc Tổ chức Nạn nhân của Lừa đảo Đầu tư, cho biết: “Những kẻ lừa đảo không gặp rủi ro gì mà lại kiếm được rất nhiều tiền. Nhật Bản chỉ dạy người dân làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền. Đối với việc đầu tư, mọi người non nớt như trẻ con”.

Các vụ lừa đảo đầu tư gia tăng trên khắp thế giới trong vài năm qua, nhưng cho đến gần đây Nhật Bản hầu như không bị ảnh hưởng vì tình trạng giảm phát khiến người tiêu dùng chỉ tập trung tích trữ tiền mặt.

Tuy nhiên, việc lạm phát leo lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm ngoái và chính phủ khuyến khích người dân tham gia vào thị trường chứng khoán vô hình trung đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các vụ lừa đảo. 

 

Bà Endo, một công chức ngoài 60 tuổi, đã bắt đầu tìm cách kiếm thêm thu nhập khi nhận ra tiền tiết kiệm không đủ để bà nghỉ hưu thoải mái. Mùa hè năm ngoái, bà nhấn vào quảng cáo hội thảo đầu tư miễn phí trên Facebook và được mời tham gia một hội nhóm. Dần dần bà bị thuyết phục và bắt đầu đầu tư trên ứng dụng được giới thiệu.

Sau đó, áp lực ngày càng tăng lên. Giống như nhiều chiêu lừa đảo thông thường khác, bà liên tục được khuyến khích đầu tư nhiều hơn để thu về lợi nhuận lớn hơn. Cuối cùng bà còn vay thêm tiền. Tổng cộng, bà đầu tư 20 triệu yen và chỉ dừng lại khi ứng dụng hiển thị số dư 100 triệu yen.

Ban đầu, bà Endo có thể rút một ít tiền từ ứng dụng giao dịch. Nhưng đến tháng 12 năm ngoái, bà không còn có thể rút tiền từ số dư trong tài khoản nữa. Ứng dụng đó hóa ra là giả, tiền của bà đã đổ vào túi người khác chứ không phải thị trường chứng khoán.

Cơn sốt chứng khoán

Trong thời gian gần đây, các hộ gia đình Nhật Bản ngày càng rót nhiều vốn vào chứng khoán. Khảo sát được công bố vào tháng 3 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy tài sản đầu tư của các hộ gia đình tăng 29,2% trong tháng 12/2023 so với một năm trước. Trong khi đó, các khoản tiết kiệm tiền mặt chỉ đi lên 1%.

Dù vậy, tiền tiết kiệm vẫn chiếm hơn một nửa tài sản của các hộ gia đình, theo khảo sát khác của BoJ. Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng khai thác nguồn thanh khoản đó, khuyến khích người dân chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư.

Những kẻ lừa đảo cũng để mắt đến số tiền trên. Nhiều người Nhật Bản là con mồi dễ dàng bởi họ thiếu kiến thức tài chính, tờ Bloomberg cho hay. Bà Mayuko Suzuki, Giáo sư giáo dục người tiêu dùng tại Đại học Osaka Kyoiku, cho biết theo truyền thống trường học Nhật Bản dạy rất ít về cách làm giàu hoặc đầu tư, thay vào đó tập trung vào tiết kiệm và chi tiêu.

Bà Suzuki bình luận: “Nếu mọi người hiểu được nguyên tắc cơ bản là không một cổ phiếu nào có thể đảm bảo lợi nhuận liên tục cho người sở hữu, có lẽ họ sẽ không bị lừa nhiều đến thế”.

 

Số vụ lừa đảo đầu tư ở Nhật Bản vẫn rất thấp so với những quốc gia khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của chúng khiến chính phủ chú ý. Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ giới thiệu một số biện pháp để ngăn chặn các vụ lừa đảo, tập trung vào việc bắt giữ tội phạm.

Các nhà lập pháp đang yêu cầu Meta (Facebook) Nhật Bản đưa ra phản hồi nhanh chóng hơn. Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, cựu Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Takuya Hirai chỉ ra rằng Facebook ngày càng hiện nhiều quảng cáo có hình ảnh người nổi tiếng để lừa gạt mọi người. 

Ông chỉ trích Meta là “chủ sở hữu nền tảng mạng xã hội không tuân thủ quy định nhất”. Ông tuyên bố Meta nên ngừng mọi quảng cáo ở Nhật Bản cho đến khi công ty tìm được cách tốt hơn để chống lừa đảo.

Người đại diện của Meta cho biết công ty đang xem xét nghiêm túc thông tin cho rằng một số những người dùng của họ là nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Ông Kokufu Taido, luật sư đại diện cho một nhóm nạn nhân của các vụ lừa đảo đầu tư, đang kiện Meta để đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng 23 triệu yen. Ông cáo buộc Facebook đang thu lợi từ việc quảng cáo cho những kẻ lừa đảo ở Nhật Bản. Người đại diện của Meta không bình luận về các vụ kiện chống lại công ty này.

Giang

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc cao kỷ lục, đà phục hồi ngành thép trong nước vẫn chưa chắc chắn
Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép từ thép Trung Quốc.