5 nguyên đơn dân sự kháng cáo 'đòi' Vietinbank bồi thường
Luật sư Trần Minh Hải: Người bị chiếm đoạt tiền là Vietinbank chứ không phải khách hàng gửi tiền | |
Đồng Phạm ‘siêu lừa’ Huyền Như: Cùng một hành vi lại bị đưa ra hai lần xem xét |
Riêng 2 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn thì đến nay vẫn chưa có đơn kháng cáo bản án của cấp sơ thẩm.
Huyền Như và Anh Tuấn tại phiên tòa tháng 2.2018. ẢNH: KHẢ HÒA |
Ngày 9.2.2018 vừa qua, ở giai đoạn 2 của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên mức án chung thân thứ 2 đối với Huyền Như, tổng hợp hình phạt là án chung thân ở cả hai giai đoạn. Đồng thời, HĐXX tuyên phạt Võ Anh Tuấn 7 năm tù, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX cũng tuyên buộc Huyền Như phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho 4 nguyên đơn dân sự trong vụ án; còn nguyên đơn dân sự còn lại, tòa buộc Như và Tuấn bồi thường liên đới bồi thường 200 tỉ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của vụ án, ngày 7.1.2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên Như án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân.
Theo nội dung kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, 5 công ty này kháng cáo một phần bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, về phần bồi thường thiệt hại khi tòa không buộc trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) liên đới đối với các bị cáo bồi thường cho các nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Theo các nguyên đơn dân sự, họ gửi tiền vào Vietinbank thủ tục hợp pháp, chứng từ đầy đủ, không vi phạm quy định của pháp luật, riêng công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu thì không có cá nhân nào của công ty nhận bất kỳ liền lãi chênh lệch nào từ Huyền Như nên việc bản án sơ thẩm chỉ buộc Huyền Như bồi thường mà không buộc Vietinbank chịu trách nhiệm liên đới đối với bị cáo là không phù hợp với các chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án, không phù hợp với các quy định của luật pháp hiện hành, làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các nguyên đơn dân sự.
Trong đơn kháng cáo, 5 nguyên đơn dân sự cho rằng Vietinbank có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng công tác kiểm tra kiểm sát để Huyền Như và đồng phạm có hành vi phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp đến khách hàng.
Từ đó, các nguyên đơn dân sự đề nghị cấp phúc thẩm buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo, bồi thường thiệt hại cho 5 nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Bản án sơ thẩm nêu, do thua lỗ từ kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ nần nên từ tháng 5 - 9.2011, Huyền Như lấy danh nghĩa huy động tiền gửi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, chi nhánh TP.HCM để thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty, gồm: Công ty CPTM & ĐT Hưng Yên, Công ty CPĐT & TM An Lộc, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm toàn cầu, Công ty CP chứng khoán Saigonbank và Công ty CP chứng khoán Phương Đông.
Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank, Như lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn của mình để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty trên để trả nợ cá nhân cho bị cáo. Số tiền Như chiếm đoạt được quy kết ở giai đoạn 2 là hơn 1.085 tỉ đồng.