33 công ty chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu: EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần trong 5 năm
Theo thống kê của FiinRatings, từ đầu năm 2022 đến ngày 17/3/2023, có 69 công ty (tổ chức phát hành) không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với ít nhất một lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang lưu hành.
Trong đó, 65 doanh nghiệp đã vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp có TPDN đến hạn nhưng được tái cơ cấu nợ. Nhóm bất động sản chiếm phần lớn với 43 công ty và tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78.940 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, 69 doanh nghiệp này có tổng nợ vay 233.700 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị TPDN đang lưu hành ở mức 169.700 tỷ đồng và 64.000 tỷ đồng là vay tín dụng ngân hàng, nợ khác.
Các trái phiếu đã ở tình huống chậm trả chiếm 56% tổng giá trị TPDN đang lưu hành của các doanh nghiệp này. Phần chưa đến hạn thanh toán (75.286 tỷ đồng) có kỳ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (ước tính 30.200 tỷ đồng) và năm 2024 (khoảng 21.900 tỷ đồng).
Theo FiinRatings, bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,2%, cao thứ hai sau ngành năng lượng (63,1%). Tuy nhiên, ngành bất động sản lại có quy mô TPDN lưu hành lớn nhất, ở mức 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị TPDN lưu hành.
Còn ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao nhất, nhưng quy mô TPDN rất nhỏ, tập trung vào một số ít doanh nghiệp và chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị TPDN lưu hành.
Các công ty chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu có đặc điểm gì?
Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 doanh nghiệp bất động sản chậm trả, FiinRatings nhận thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đã tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Tuy nhiên, tài sản hữu hình của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng ở năm 2017 lên 33.000 tỷ đồng tại năm 2021. Trong khi đó, khoản phải thu và khoản đầu tư dài hạn lại tăng gấp hơn 4 lần.
FiinRatings nhận định vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.
Trong một thời gian dài, nợ vay trên EBITDA ở mức rất cao, lên tới 30,5 lần vào năm 2020 và 23,5 lần tại năm 2021. Đây là mức quá cao so với kỳ hạn bình quân của một trái phiếu và các nghĩa vụ nợ của những doanh nghiệp này.
Bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, kênh huy động trái phiếu suy giảm mạnh, pháp lý dự án bị đình trệ hoặc thay đổi chính sách thì các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có những đặc điểm chính về chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ, bao gồm: Mức đòn bẩy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tông kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức Cao và Rất cao và mất cân đối về kỳ hạn.
Kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.
Hoạt động phát hành TPDN nhóm bất động sản đã giảm 97,1%
Theo FiinRatings, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ hiện ở mức 1,15 triệu tỷ đồng (tính theo giá trị lưu hành tại ngày 8/3/2023). Trong đó, trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 788.900 tỷ đồng và của nhóm ngân hàng là 368.000 tỷ.
Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị TPDN lưu hành ở mức 396.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% giá trị trái phiếu nhóm phi ngân hàng và 34% tổng giá trị TPDN toàn thị trường.
FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi phát hành TPDN do tình trạng cầu yếu. Đồng thời, doanh nghiệp chờ đợi những thay đổi hỗ trợ từ phía chính quyền như Nghị định 08 và chính sách cụ thể về giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023.
Các biện pháp này sẽ giúp giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho việc cải thiện, tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
So với cùng kỳ năm trước, hoạt động phát hành TPDN của nhóm bất động sản trong tháng 3/2023 đã giảm 97,1% về quy mô phát hành (17.530 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ được ghi nhận) và chưa thể phục hồi, đặc biệt là ở giai đoạn tháng 10/2022 – 2/2023.
Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ các vụ việc vi phạm phát hành trái phiếu, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, lãi suất gia tăng và ban hành Nghị định 65, khiến chi phí vốn gia tăng, quy trình huy động vốn TPDN cho hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn trước.
FiinRatings cho rằng việc tiếp diễn tình trạng trên có thể đẩy thêm nhiều doanh nghiệp (phần lớn là bất động sản) chậm thanh toán nghĩa vụ nợ cho các trái chủ trong giai đoạn quý II và quý III năm nay, thời điểm có áp lực đáo hạn lớn.
Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33 và Nghị định 08 ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, cấp tín dụng mới cho các dự án có pháp lý tốt cũng như hoạt động triển khai và mở bán dần được khôi phục.