'Nghị định 08 có sự ưu ái cho doanh nghiệp phát hành'
'Ưu ái con nợ thì người bị thiệt là chủ nợ'
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định đã giúp tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát hành có thể đàm phán với trái chủ trong trường hợp gặp khó khăn về việc thanh toán. Song, cũng có những ý kiến bày tỏ băn khoăn về quyền lợi của trái chủ sau khi Nghị định được ban hành.
Chia sẻ tại Hội thảo Chứng khoán 2023 do Công ty Chứng khoán Yuanta tổ chức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ không dùng tiền để cứu thị trường TPDN mà ưu tiên sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Thông qua Nghị định 08, Nhà nước đã tạo ra cơ chế để thị trường tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, theo ông Thành, tinh thần của Nghị định có sự ưu ái cho phía doanh nghiệp phát hành. “Nếu như ưu ái cho con nợ thì tức là người bị thiệt sẽ là chủ nợ”, chuyên gia nói.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chuyên gia: Đề xuất cho doanh nghiệp vay để trả nợ trái phiếu thực chất là đảo chủ nợ từ trái chủ sang ngân hàng 27/03/2023 - 17:14
Theo chuyên gia, khi thời gian thanh toán được gia hạn, phía trái chủ sẽ bị áp đặt về vấn đề chi phí. Bên cạnh đó, việc có thể nhận lại tiền trong tương lai (một hoặc hai năm sau) vẫn chưa chắc chắn.
Còn phía doanh nghiệp thì giảm được gánh nặng tài chính và không phải phá sản. Doanh nghiệp chỉ cần ra thông báo ngừng trả nợ do tình hình khó khăn và đề xuất với nhà đầu tư cho phép được gia hạn thời gian, cùng với đó là các giải pháp để thanh toán.
Như vậy, các doanh nghiệp vẫn sẽ tồn tại, không bị đổ vỡ hay phá sản và các khoản nợ vay ngân hàng cũng có thể không bị coi là nợ xấu, không bị chuyển nhóm nợ.
Ông Thành nhận định "đây là giải pháp mua thời gian", tương tự như cách đây 13 năm và kỳ vọng tình hình có thể phục hồi trở lại vào năm 2025.
“Chịu thiệt sẽ là các nhà đầu tư trái phiếu. Còn doanh nghiệp bất động sản thì có thời gian để tái cấu trúc. Ngân hàng cũng sẽ không chịu áp lực nợ xấu tăng lên. Như vậy, khi tín hiệu tích cực xảy ra thì nền kinh tế vẫn có thể phục hồi”, ông Thành nói thêm.
Còn theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, sẽ có nguy cơ lớn nếu doanh nghiệp lợi dụng các quy định tại Nghị định 08. Trong trường hợp doanh nghiệp không chịu trả tiền hoặc ép nhà đầu tư nhận sản phẩm, khả năng cao nhà đầu tư phải chấp thuận thay vì khởi kiện do có thể sẽ tốn thời gian, công sức mà vẫn không thu lại được tiền.
Dòng vốn trái phiếu quay lại thị trường sau Nghị định 08
Theo thống kê của FiinGroup, hai tháng đầu năm nay chỉ có 4 đợt phát hành TPDN thành công với tổng giá trị theo mệnh giá phát hành là 2.110 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Nghị định 08 có hiệu lực (ngày 5/3), ghi nhận từ chuyên trang của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, đã có 9 lô TPDN của 8 công ty được phát hành thành công, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên đến 23.825 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó, những doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên (7.200 tỷ đồng); Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living (4.800 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An (4.700 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam (4.695 tỷ đồng) và Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas (2.300 tỷ đồng).
Ngoài tình hình phát hành TPDN có sự "ấm" lên, kể từ sau Nghị định 08, các doanh nghiệp cũng đang tích cực đàm phán với trái chủ và một số doanh nghiệp đã đạt được thoả thuận gia hạn các lô trái phiếu.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) đã thông báo đàm phán gia hạn thành công ba lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 2.750 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu NVLH2124002 có giá trị phát hành 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 26/4/2024, được điều chỉnh kỳ hạn kéo dài đến ngày 10/3/2025 với mức lãi suất cố định 11,5%/năm và toàn bộ tiền lãi sẽ thanh toán vào ngày đáo hạn. Đồng thời, trái phiếu được bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phần của CTCP Tập đoàn Nova Consumer (Mã: NCG).
Lô trái phiếu NVLH2224006 có giá trị phát hành theo mệnh giá 1.500 tỷ đồng, đáo hạn ngày 15/3/2024 cũng được gia hạn thanh toán gốc chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn với mức lãi suất cố định 11,5%/năm. Novaland sẽ thanh toán trước 20% tiền lãi đến hạn, phần tiền lãi còn lại sẽ trả cùng với tiền gốc vào cuối thời gian thanh toán nợ và bổ sung tài sản bảo đảm để tỷ lệ bảo đảm tối thiểu bằng 100% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành.
Trái phiếu NVLH2123010 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 17/3/2023, được kéo dài kỳ hạn đến ngày 19/6/2023 và bổ sung tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ các bất động sản thuộc các dự án tại TP HCM của tổ chức phát hành và (hoặc) bên thứ ba.
CTCP Tập đoàn Tiến Phước (TPG) cũng thông báo đạt được thoả thuận kéo dài kỳ hạn thêm hai năm với các lô trái phiếu GTPCH2123001, tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng (đáo hạn ngày 25/3/2023) và GTPCH2123002, tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng (đáo hạn ngày 6/42023).
CTCP Hưng Thịnh Land được trái chủ chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu HTLAND.2020.TV01 (giá trị phát hành 500 tỷ đồng, đáo hạn ngày 20/3/2023) tăng thêm 7 tháng. Doanh nghiệp cũng đưa ra phương án mua lại trước hạn không muộn hơn ngày 20/10/2023 và lãi suất áp dụng đối với thời gian gia hạn ở mức cố định 15%/năm. Nếu, doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi chậm hơn cam kết thì phải chịu lãi suất 18%/năm đối với phần trả chậm.
Một thành viên khác thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh là CTCP Hưng Thịnh Icons (Mã: HTN) cũng được gia hạn thời gian tất toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 (giá trị phát hành 300 tỷ đồng, đáo hạn ngày 31/12/2022) đến ngày 25/1/2024. Hưng Thịnh Icons sẽ thực hiện thanh toán thành nhiều đợt vào ngày 25 hàng tháng, đợt thanh toán đầu tiên là ngày 25/3/2023.
Báo cáo của FiinGroup cho biết trong năm 2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 100.000 tỷ đồng.
Tổng dư nợ TPDN bất động sản sẽ đáo hạn trong quý II và quý III năm nay lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng và 35.400 tỷ đồng. Đây cũng là hai quý chịu áp lực đáo hạn trái phiếu cao nhất trong năm nay.