Ý nghĩa hệ trọng của cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin tại Trung Á
Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng
Hôm 12/9, Bắc Kinh xác nhận ông Tập sẽ bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Kazakhstan và Uzbekistan vào ngày 14/9, sau đó tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.
Các nhà phân tích nhận xét chuyến thăm của ông Tập là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời thể hiện bản thân là lựa chọn thay thế Mỹ trên trường quốc tế.
Chuyến đi cũng có ý nghĩa lớn với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh ông đang thu hút sự chú ý lớn cả trong và ngoài nước vì căng thẳng Mỹ-Trung, hậu quả của chiến dịch “Zero COVID” hà khắc và các đồn đoán rằng ông đang chuẩn bị có nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những dấu hỏi lớn trong cuộc phản công của Ukraine 12/09/2022 - 15:47
Đối với ông Putin, thắng lợi của Ukraine trong cuộc phản công bất ngờ tại khu vực Kharkov đã làm dấy lên câu hỏi về việc Nga có thể duy trì cuộc xung đột trong bao lâu. Do đó cuộc gặp của ông Putin với ông Tập tại hội nghị SCO càng mang tính cấp thiết.
Ông Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson nhận xét: “Chuyến công du nước ngoài thể hiện sự tự tin trong khả năng kiểm soát tình hình trong nước của ông Tập. Chuyến đi cũng thể hiện sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia SCO. Đây là dấu hiệu gửi tới phương Tây rằng Trung Quốc không bị cô lập. Ý nghĩa chính trị của sự kiện này cao hơn hẳn ý nghĩa kinh tế”.
Ông Li Lifan, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết chuyến đi là động thái có chủ đích nhằm tăng cường sự trợ giúp từ các láng giềng Trung Á của Trung Quốc nhằm đối chọi với áp lực địa chính trị từ phương Tây.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nga thừa nhận Ukraine vừa tiến công thần tốc và đạt ‘thắng lợi đáng kể’ trên chiến trường 10/09/2022 - 21:53
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Kazakhstan là nhà xuất khẩu dầu lớn và đóng vai trò chủ chốt trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà ông Tập khởi xướng. Do đó quyết định chọn điểm đến là Kazakhstan nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước này với Trung Quốc.
Trong bối cảnh sáng kiến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bị cản trở bởi COVID-19 và khó khăn kinh tế, dự kiến Bắc Kinh sẽ cung cấp cú hích mới cho “Con đường Tơ lụa” thời hiện đại nhằm tăng sức ảnh hưởng toàn cầu.
Ông Li dự kiến các nguyên thủ sẽ ký kết nhiều thỏa thuận năng lượng và hợp tác về công nghệ, sự kết nối và trao đổi chính thức.
Ông Vladimir Portyakov, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga chỉ ra: “Chuyến đi tới Uzbekistan tạo ra cơ hội để ông Tập gặp gỡ trực tiếp và bàn bạc các vấn đề với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi và có lẽ là những nguyên thủ khác nữa. Tôi tin rằng mối quan tâm chính của các nước Trung Á với Trung Quốc là thu hút các khoản đầu tư mới và đẩy mạnh thương mại”.
Các thành viên SCO bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Ấn Độ và Pakistan. Dự kiến Iran cũng sẽ tham gia trong tương lai.
Nga cần Trung Quốc nhưng khó được thỏa nguyện
Rất có thể ông Tập sẽ gặp Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Trung Á lần này, lần đầu tiên kể từ cuộc xung đột biên giới giữa hai nước dẫn tới đổ máu hồi tháng 6/2020. Tuy nhiên, buổi gặp mặt giữa ông và Tổng thống Putin mới được cho là tiêu điểm chính.
Ông Tập tuyên bố mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” với Nga trong lần gặp gỡ trực tiếp cuối cùng giữa hai nguyên thủ vào đầu tháng 2/2022 trước khi Moscow tấn công Ukraine. Trung Quốc từ chối lên án cuộc chiến tại Ukraine nhưng cũng cẩn trọng né tránh trợ giúp quân sự hay cung cấp các biện pháp né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây cho Nga.
Phó Giám đốc Portyakov nói rằng Nga và Trung Quốc có vẻ sẽ đẩy mạnh tương trợ cho nhau do cả hai đều đang chịu áp lực tăng cường từ phương Tây: “Tuy nhiên, Bắc Kinh thực sự sợ các lệnh trừng phạt thứ cấp từ phương Tây, do chúng có thể làm phức tạp thêm tình hình kinh tế khó khăn tại Trung Quốc. Phía Nga hiểu rõ tình huống này".
Ông Mark N. Katz, Giáo sư về chính trị tại Đại học George Mason cũng đánh giá thấp khả năng ông Tập sẽ đem đến cho Nga sự hỗ trợ cần thiết để đương đầu với các lệnh trừng phạt phương Tây. Ông nhìn nhận: “Ông Putin đang rất cần thêm sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Nhưng tôi không cho rằng ông Tập sẽ hỗ trợ Nga nhiều như mức ông Putin muốn”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lời nguyền địa lý: Vì sao Nga luôn phải dè chừng NATO và không thể hùng mạnh như Mỹ? 08/03/2022 - 20:51
Cuối tháng trước, tờ Tass đưa tin rằng Ngoại trưởng Sergey Lavrov thừa nhận rằng Nga đang không có nước nào để dựa vào ngoài trừ chính mình. Ông Katz đánh giá: “Lời của ông Lavrov cho thấy Moscow nhìn nhận rằng Bắc Kinh không giúp đỡ họ nhiều như mong muốn. Nga thực sự đang gặp rắc rối nghiêm trọng tại Ukraine. Tôi cho rằng ông Tập sẽ không muốn bị dính líu đến sự thất bại".
"Mặt khác, có thể ông Tập sẽ vui lòng để phương Tây tập trung nhiều vào sự bất mãn với Nga thay vì Trung Quốc. Và chiến sự diễn ra càng dài, Nga càng có nhiều khả năng sẽ nhượng bộ Trung Quốc”.
Nhưng chuyên gia Yun Sun của Trung tâm Stimson nói rằng Trung Quốc sẽ giúp đỡ thêm cho Nga trong tương lai: “Có thể Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ quân sự cho Moscow, nhưng Trung Quốc sẽ không ngần ngại trong việc đầu tư và tài trợ cho Nga như những gì họ đã làm từ khi chiến sự nổ ra. Ông Tập sẽ gặp gỡ tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ông không muốn liên minh với Nga, nhưng sự hợp tác giữa hai nước là điều cần thiết trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Pan Dawei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, chỉ ra sự lo ngại của Moscow về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Trung Á, “sân sau” truyền thống của Nga. Ông nói: “Nga cảnh giác với sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á, nhưng đây không phải là điều mà họ có thể kiểm soát".
Giáo sư Katz cũng đồng tình rằng chuyến thăm của ông Tập cho thấy Bắc Kinh ngày càng khẳng định mối quan tâm với Trung Á, và Nga “đang phải chấp nhận vai trò thấp hơn trong khu vực".