Xung đột Ukraine sẽ chuyển biến thế nào trong mùa đông sắp tới?
Theo CNN, chỉ vài tuần trước, dường như xung đột Ukraine sẽ bước vào mùa đông với chiến tuyến bị đóng băng. Quan điểm này đã thay đổi sau khi phía Ukraine bất ngờ phản công và giành chiến thắng tại khu vực Kharkov (Kharkiv).
Quân đội Nga giờ phải đặt ra câu hỏi về việc tổ chức lại quân đội và tìm lại quyền kiểm soát sau khi Ukraine trong một tuần đã chiếm vùng lãnh thổ lớn hơn Nga chiếm được trong hơn 5 tháng.
Điện Kremlin đang đối mặt với quyết định khó khăn: liệu có nên tuyên bố tổng động viên và làm thế nào để hạn chế thâm hụt ngân sách.
Ngoài phạm vi chiến trường, Nga phải suy nghĩ về cách thức vũ khí hóa nguồn cung khí đốt tới châu Âu, khi các chính phủ đang chuẩn bị chi tiêu mạnh tay nhằm giảm thiểu tác động tới người dân và doanh nghiệp.
Một thách thức trên mặt trận đối ngoại là việc xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga trong xung đột Ukraine có thể suy giảm.
Chiến trường thay đổi
Cuộc phản công bất ngờ của Ukraine tại Kharkov và những đợt tấn công tại miền nam đã đẩy Bộ Quốc phòng Nga vào thế khó.
Khi mùa đông tới, Moscow phải lựa chọn sẽ ưu tiên mặt trận nào, và liệu có nên đẩy mạnh mục tiêu kiểm soát hai vùng Donetsk và Luhansk hay không. Nga hiện đang nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine.
Kiểm soát hoàn toàn Donetsk không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. 7 tháng xung đột đã cho thấy những thiếu sót trong hệ thống logistics của Nga. Mùa đông lạnh lẽo, ẩm ướt sẽ càng khiến việc tiếp tế trở nên khó khăn hơn.
Các hướng tấn công ở Donetsk đang tiến triển rất chậm. Trong khi đó, ở Kherson, quân đội Nga đang chịu áp lực lớn từ phía Ukraine.
Moscow không có nhiều đơn vị mới để đưa vào cuộc xung đột. Quân đoàn 3 mới thành lập gần đây đa số là các tiểu đoàn tình nguyện từ khắp nơi trên đất nước Nga.
Dĩ nhiên, để có được cuộc phản công thắng lợi tại Kharkov, Ukraine đã mất hàng nghìn người, gồm cả những binh sĩ thuộc các đơn vị thiện chiến nhất của vùng Donbass.
Một quan chức NATO cũng cho biết rằng mặc dù việc Ukraine giành lại lãnh thổ nhanh chóng sẽ giúp tăng nhuệ khí, nhưng “khó có thể tưởng tượng sự việc tương tự lặp lại lần nữa”.
Đồng thời, lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga vẫn vượt trội hoàn toàn so với Ukraine. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Moscow vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế này, khi mà 40% lãnh thổ Donetsk vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đã thừa nhận rằng chiến dịch tấn công ở Donbass “diễn ra với tốc độ chậm, nhưng vẫn sẽ tiếp tục. Dần dần, dần dần, quân đội Nga chiếm đóng các vùng lãnh thổ mới”.
Và bất chấp những lời kêu gọi tổng động viên ở Moscow, ông Putin nói: “Chúng tôi chỉ chiến đấu với một phần quân đội Nga… Do đó, không cần quá vội vàng”.
Chiến thắng của Ukraine?
Một số nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể giành chiến thắng hay không. Theo CNN, câu trả lời phụ thuộc vào cách xác định chiến thắng. Tổng thống Zelensky có ý định thu hồi tất cả các lãnh thổ bị chiếm đóng cũng như Bán đảo Crimea.
Đại tướng David Petraeus, cựu Giám đốc CIA, mong đợi Ukraine sẽ chiếm lại lãnh thổ bị người Nga chiếm giữ kể từ tháng 2 và "thậm chí có thể tưởng tượng được rằng [Kiev] sẽ giành lại Crimea và Donbass".
Nhưng ông Petraeus cho rằng cuộc chiến sẽ cam go, và nếu đây thực sự là mục tiêu của Ukraine, thì hệ thống hậu cần của nước này sẽ bị kéo dãn, dễ dàng bị phản công.
Cuối cùng, thành công trên chiến trường của Ukraine sẽ phụ thuộc vào nguồn viện trợ vũ khí của phương Tây. Tuy nhiên, kho vũ khí của một số quốc gia đang cạn kiệt dần.
Các quan chức Mỹ cũng cảnh giác rằng Ukraine có thể chơi quá tay. Mỹ vẫn đặc biệt thận trọng về việc gửi cho Kiev các loại vũ khí có tầm bắn hơn 80 km, có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối yêu cầu viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS), có tầm bắn lên tới 300 km.
Một số quan chức phương Tây lo ngại Điện Kremlin sẽ phản ứng khó lường, thậm chí sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nhưng bà Olga Olika, Giám đốc Chương trình Châu Âu và Trung Á tại International Crisis Group tin rằng Điện Kremlin sẽ không tiếp tục leo thang vì “việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ kích động sự trả đũa quốc tế, bao gồm cả sự can thiệp quân sự trực tiếp từ NATO”.
Tuy nhiên, Nga vẫn có một kho vũ khí đáng gờm, bao gồm tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác có thể được sử dụng để gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Ukraine: điện, nước và thông tin liên lạc. Trong những ngày gần đây, lực lượng tên lửa Nga đang tấn công vào cơ sở hạ tầng điện tại Kharkov, hồ chứa tại Krivoy Rog (Kryviy Rih).
Ván bài khí đốt
Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hồi đầu tháng 9, Tổng thống Putin tuyên bố: “Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì trái với lợi ích của mình. Không có khí đốt, không có dầu mỏ, không có than đá, không có nhiên liệu, không có gì cả”.
Giữa những thất bại trên chiến trường của Nga, tờ Foreign Affairs cho rằng: “Hy vọng tốt nhất và có lẽ duy nhất của ông Putin là sự ủng hộ từ phương Tây dành cho Ukraine sẽ sụp đổ khi chi phí chiến tranh tốn kém, giá cả tăng cao và năng lượng thiếu hụt”.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với một năm trước, giúp Nga thu về khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày trong ba tháng đầu tiên của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, châu Âu lựa chọn chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng, và đưa ra chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Sau khi lùng sục khắp thế giới để tìm các nhà cung cấp thay thế, cho đến nay, châu Âu đã lấp đầy được 86% kho dự trữ, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE).
Cũng có những dấu hiệu cho nguồn lợi từ giá dầu và khí đốt cao ngất ngưởng của Nga sẽ kết thúc sớm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu của Moscow vào tháng 2/2023 sẽ thấp hơn 17% so với mức trước xung đột, khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực.
Chưa thấy dấu hiệu hòa bình
Các tín hiệu từ cả hai phía cho thấy Moscow và Kiev đang chuẩn bị cho một mùa đông dài chìm trong xung đột, thay vì tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Tổng thống Putin cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 16/9: “Nga sẽ làm mọi thứ để chấm dứt xung đột ở Ukraine càng nhanh càng tốt, nhưng Kiev từ chối đàm phán”. Mục tiêu của Moscow vẫn là “giải phóng Donbass” và “không có gì phải vội vàng”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng “hiểu những lo ngại” của Ấn Độ và Trung Quốc đối với cuộc xung đột.
Theo Financial Times, Thủ tướng Modi nói với ông Putin rằng “bây giờ không phải là thời đại của chiến tranh”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đề cập trực tiếp đến Ukraine.
Một bộ trưởng châu Âu cho rằng tuyên bố của ông Modi là “một lời chỉ trích” đối với Moscow: “Tôi không nghĩ là ông Modi ủng hộ cuộc xung đột này. Tốt hơn hết là nên đứng ở vị trí mập mờ, có thể làm thân với cả hai phe và gặt hái lợi ích từ cả hai”.
Tương tự, một số nhà quan sát tin rằng Bắc Kinh đang cố gắng tránh dính sâu vào vũng lầy của Nga ở Ukraine.
Về phần mình, Ukraine nhất quán trong việc không đàm phán với Moscow trừ khi thu hồi lại được toàn bộ lãnh thổ. Tổng thống Zelensky đã giận dữ bác bỏ đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và những người khác rằng Ukraine nên đàm phán để không làm bẽ mặt Nga.
Với tình hình chiến trường hiện tại, Ukraine không có nhiều động lực để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.
Một quan chức quân sự NATO nói với CNN rằng Moscow sẽ phải suy nghĩ lại vào mùa xuân tới “nếu NATO vẫn đoàn kết và Ukraine vẫn tiếp tục cuộc chiến”.
“Nhưng Nga sẽ không đàm phán sớm hơn, vì mùa đông lạnh giá sẽ là vũ khí mạnh nhất", ông nói.