Xuất khẩu hàng hoá quý IV và năm 2023 dự báo chịu áp lực bởi bất ổn kinh tế thế giới
Áp lực từ những bất ổn của nền kinh tế giới
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định việc đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU dự báo rơi vào suy thoái. Lạm phát ở các thị trường chủ lực khiến nhu cầu tiêu dùng giảm.
Trong khi đó, Việt Nam có thế mặt về các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, đồ gỗ... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu không chỉ cho Việt Nam mà còn hàng hoá cho toàn cầu.
“Mặc dù có kết quả tích cực nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể chịu áp lực trong quý IV và năm 2023”, bà Trang nói.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý III, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD giảm 0,5% so với quý II/2022. Mặc dù vậy, so với nền thấp của quý III năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam quý III/2022 vẫn tăng 17%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, trên 200%.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế... dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.
Lực đỡ từ các hiệp định thương mại tự do
Tuy nhiên, theo bà Trang với những hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và những kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng phó với những biến động của thế giới, những rủi ro trong hoạt động xuất khẩu sẽ được hạn chế.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8%; sang ASEAN ước đạt 26 tỷ USD, tăng 25,7%.
Ngoài ra, bà Trang cho rằng một số nhóm mặt hàng sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới như nguyên vật liệu, cao su, phân bón, hoá chất, nhựa trong bối cảnh giá cả hàng hoá tăng. Tương tự, nhóm hàng lương thực cũng sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.
“Kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm sẽ là tiền đề để xuất khẩu cả năm 2022 vượt mức chỉ tiêu đề ra đầu năm”, bà Trang nhận định.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 9 tháng đầu năm ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp cần tăng cường cập nhật thông tin biến động trên thế giới từ đó chủ động phương án sản xuất kinh doanh, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu.