|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ sang Mỹ đứng trước rủi ro phòng vệ thương mại

21:28 | 14/07/2022
Chia sẻ
Ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch năm 2022. Xuất siêu ngành lâm sản ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) nhận định 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,1 tỷ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, xuất khẩu lâm sản năm 2022 có thể đạt 16,3 tỷ USD.

Xuất khẩu lâm sản sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10% nhưng tại thị trường Mỹ lại giảm. Sự biến động ở Mỹ, thị trường xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành lâm sản.

"Ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Hiện các đơn hàng xuất khẩu đang giảm, thậm chí có những doanh nghiệp đã ngừng sản xuất", ông Diện nói.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngoài ra rủi ro phòng vệ thương mại, xuất khẩu lâm sản cũng chịu tác động bởi lạm phát và căng thẳng Nga – Ukraine, khó khăn cả về thị trường đầu ra và nguồn nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, vận chuyển…

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Thông thường, 6 tháng cuối năm thì giá trị xuất khẩu lâm sản sẽ cao hơn, nhưng năm nay thị trường chịu ảnh hưởng nhiều về nguyên liệu sản xuất, chi phí logictis,… Do đó, ngành và doanh nghiệp cần phải khắc phục sớm”.

Tổng cục Lâm nghiệp đã có kế hoạch họp với các hiệp hội, doanh nghiệp làm sao vừa đáp ứng các đơn hàng đã ký, vừa mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để tránh các rủi ro về phòng vệ thương mại, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm soát gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp liên kết và sử dụng gỗ rừng trồng trong chế biến, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ Việt.

Hoàng Anh