|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lộ diện công ty dự kiến mua hơn 41 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Gỗ Trường Thành (TTF)

07:27 | 08/07/2022
Chia sẻ
Đối tượng đủ điều kiện mua cổ phần riêng lẻ do TTF phát hành là một công ty tư vấn môi giới bất động sản với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.

 Trụ sở TTF tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Minh Hằng).

Huy động vốn để mua cổ phần Tekcom

Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc triển khai phương án chào bán 41,12 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho một nhà đầu tư duy nhất là CTCP Marina 2. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Giá chào bán dự kiến là 11.000 đồng/cp, cao hơn khoảng 45% so với thị giá TTF chốt phiên 7/7 là 7.590 đồng/cp.

Trong tổng số tiền huy động được hơn 452 tỷ đồng, TTF sẽ dùng gần 286 tỷ để bổ sung vốn lưu động trong quý IV/2022 - quý III/2023, gần 167 tỷ còn lại sẽ được dùng để mua cổ phần CTCP Tekom Central trong năm sau.

Theo giới thiệu, Tekcom được thành lập năm 2005, là công ty dẫn đầu ngành sản xuất ván plywood tại Việt Nam. Thông tin công bố vào năm 2016, Tekcom nắm tới 60% thị phần xuất khẩu ván plywood của Việt Nam và 19% thị phần nội địa.

Hiện Tekcom sở hữu hai nhà máy nằm tại Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 115.000 m2 chuyên sản xuất ván plywood và ván phủ phim phục vụ cho ngành gỗ nội ngoại thất.

Thông tin cập nhật mới nhất đến tháng 3/2021, vốn điều lệ của Tekcom tăng từ 160 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng và có thêm sự gia nhập của tổ chức đến từ Hong Kong với tỷ lệ nắm giữ được công bố là 34%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) vừa qua, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết TTF đã mua lại 16,95% cổ phần của Tekcom thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ vào tháng 4/2022.

Lúc đó, ông Tín tiết lộ, bản chất của việc TTF mua lại gần 17% vốn của Tekcom nhằm sở hữu 49% nhà máy chuẩn bị xây dựng tại miền Trung. Chiến lược trung gian này giúp TTF khép kín được chuỗi sản xuất, và có được năng lực sản xuất tốt kế thừa từ Tekcom, người đứng đầu TTF chia sẻ.

Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái.

Đồng thời về dài hạn, ông Mai Hữu Tín muốn đưa TTF trở thành công ty nội thất số 1 Đông Nam Á và giấc mơ 1 tỷ USD. Dẫu vậy, tính đến cuối quý I vừa rồi, TTF vẫn đang ôm khối nợ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng, và ở trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn (2.259 tỷ) đã vượt hơn 373 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.886 tỷ đồng) thời điểm 31/3.

Marina 2 là của ai? 

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Marina 2 được thành lập vào tháng 10/2018 với ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu lên tới 1.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Sunshine góp 920 tỷ đồng (92% vốn điều lệ), ông Bùi Văn Trung góp 50 tỷ và Chủ tịch Sunshine là ông Đỗ Anh Tuấn góp 30 tỷ đồng.

Đầu tháng 7 vừa rồi, Tập đoàn Sunshine và TTF đã ký kết hợp tác, theo đó Tập đoàn Sunshine trở thành nhà đầu tư chiến lược của TTF, hỗ trợ TTF phát triển hệ thống bán lẻ nội thất trên khắp cả nước qua việc ưu tiên sử dụng các mặt bằng trong dự án do Sunshine phát triển. Đồng nghĩa, TTF sẽ trở thành nhà cung cấp nội thất chính (trên cơ sở cạnh tranh) cho toàn bộ các công trình do Sunshine phát triển hay sở hữu.

Ông Mai Hữu Tín từng chia sẻ, kế hoạch của TTF thời gian tới sẽ cung ứng nội thất lớn cho các nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong nước. Trước Sunshine, TTF đã cung cấp nội thất cho nhiều tập đoàn lớn như Vingroup,...

Minh Hằng