Ông Mai Hữu Tín tiết lộ lý do đằng sau Gỗ Trường Thành (TTF) mua lại công ty đầu ngành ván plywood
Vào tháng 4, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết đã hoàn tất mua vào 16,95% cổ phần của CTCP TEKCOM thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, TTF đã thực hiện thương vụ 20% cổ phần của một công ty nội thất lâu đời đến từ Italia.
Theo giới thiệu, TEKCOM được thành lập năm 2005, là công ty dẫn đầu ngành sản xuất ván plywood tại Việt Nam. Thông tin công bố vào năm 2016, TEKCOM nắm tới 60% thị phần xuất khẩu ván Plywood của Việt Nam và 19% thị phần nội địa.
Hiện TEKCOM sở hữu hai nhà máy nằm tại Khu Công nghiệp Nam Tan Uyên, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 115.000 m2 chuyên sản xuất ván plywood và ván phủ phim phục vụ cho ngành gỗ nội ngoại thất.
Theo thông tin trên Cổng đăng ký kinh doanh, TEKCOM có vốn điều lệ ban đầu là 160 tỷ đồng, do 5 cổ đông góp vốn trong đó ông Vũ Quang Huy (Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT) sở hữu 46,5% vốn.
Thông tin cập nhật mới nhất đến tháng 3/2021, vốn điều lệ của TEKCOM tăng lên 240 tỷ đồng và có thêm sự gia nhập của tổ chức đến từ Hong Kong là Excelsior Oak Limited với tỷ lệ vốn góp 25%, còn lại là cổ đông trong nước nhưng không được công bố chi tiết. Đến tháng 4, Chủ tịch TTF là ông Mai Hữu Tín cho biết cổ đông ngoại này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại TEKCOM lên 34%.
Nếu như TTF mua lại Công ty nội thất Natuzzi nhằm tận dụng chuỗi bán lẻ của tập đoàn này cũng như kinh nghiệm sản xuất thì phải chăng việc mua lại TEKCOM là vì công ty này trong tương lai sẽ bắt tay với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG)?
Thực tế, Tập đoàn Hòa Phát đang xây dựng nhà máy container đầu tiên của Việt Nam để cạnh tranh với phía Trung Quốc, trong bối cảnh "nguồn cung container đang thiếu kinh khủng".
Tuy nhiên, sản phẩm phụ là ván ép với độ chịu lực cực cao để lót sàn container thì Việt Nam chưa sản xuất được và TEKCOM đang là đơn vị duy nhất có khả năng thực hiện điều này.
Song, Chủ tịch Mai Hữu Tín chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 rằng "Nếu TTF mua lại TEKCOM chỉ vì họ cung cấp hàng cho Hòa Phát thì thiển cận quá. Họ dư sức thực hiện được điều này mà không cần sự trợ giúp của TTF. Cái chúng ta cần là nhắm vào thị trường toàn cầu".
TEKCOM có công ty ván ép tại Bình Định, đang thuê 8 ha đất tại KCN Nhơn Hòa với giá 23 USD/m2 và giờ giá đã lên 40 USD/m2. Ông Tín tiết lộ, bản chất của việc TTF mua lại gần 17% vốn của TEKCOM nhằm sở hữu 49% nhà máy chuẩn bị xây dựng tại miền Trung.
Chiến lược trung gian này giúp TTF khép kín được chuỗi sản xuất, và có được năng lực sản xuất tốt kế thừa từ TEKCOM.
Tại Đắk Lắk, TTF còn có hai nhà máy sản xuất đồ gỗ ngoại thất và theo chia sẻ của người đứng đầu TTF, trong đợt dịch vừa rồi, nhà máy chưa nghỉ ngày nào khi đơn hàng dồn dập.
Với nước đi này của ông Mai Hữu Tín nhằm sở hữu thêm một phần nhà máy tại Bình Định trong tương lai, TTF dự kiến sẽ có tổng cộng ba nhà máy tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm nâng cao công suất để chạy đơn hàng.
Việc tăng công suất nhà máy của TTF nhằm đón đầu cơ hội nhu cầu tiêu dùng phục hồi, nhất là tại thị trường Mỹ. Hiện đất nước này là thị trường tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất thế giới và vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Theo trang woodworkingnetwork.com, bất chấp sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và các vấn đề về lao động, đồ nội thất là ngành tăng trưởng nhanh thứ hai trong số 15 ngành sản xuất hàng đầu được theo dõi bởi Viện Quản lý cung ứng Mỹ.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Ý (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đã phục hồi vào năm 2021 với mức tiêu thụ cao hơn nhiều so với trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 và 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất lớn nhất. Các nhà nhập khẩu và bán lẻ xứ cờ hoa này đang tiếp tục tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy.
Ông Tín chia sẻ, trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hết 8 nhà nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc và Việt Nam. Dù thực tế đang có xu hướng dịch chuyển các nhà máy gỗ qua Mexico nhưng đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. Ông Tín cho rằng Mexico "không có cửa" trong xuất khẩu gỗ đối với Việt Nam hay Trung Quốc.
Hiện TTF đang nhắm tới việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sau một thời gian dài hai năm để tái cấu trúc, củng cố lại sau cú sốc hàng tồn năm 2016 do người lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Thấy rõ nhất là việc rót vốn mua lại 20% vốn của một công ty nội thất của Italia với hệ thống 651 cửa hàng trên thế giới.
Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái.
Đồng thời về dài hạn, ông Mai Hữu Tín muốn đưa TTF trở thành công ty nội thất số 1 Đông Nam Á và giấc mơ 1 tỷ USD.
Dẫu vậy, tính đến cuối quý I vừa rồi, TTF vẫn đang ôm khối nợ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng, và ở trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn (2.259 tỷ) đã vượt hơn 373 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.886 tỷ đồng) thời điểm 31/3.