|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng trưởng ngành gỗ thấp hơn kỳ vọng

09:47 | 01/07/2022
Chia sẻ
Tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ đang có dấu hiệu chậm lại do lạm phát tăng cao tại nhiều nước khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao… Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ cũng đang gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng trước nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng tăng 5 - 8% của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và thấp hơn cả mức tăng trưởng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.

Còn nếu so với mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm nay thì ngành gỗ thực hiện chưa được một nửa (47,2%) so với kế hoạch đề ra.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Dù nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã có đơn hàng đến quý 3/2022, thậm chí hết năm, nhưng thị trường đang xuất hiện các yếu tố mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chậm lại trong những tháng đầu năm nay chủ yếu do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất đều tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm bởi tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero COVID” tại Trung Quốc.

Gặp khó tại thị trường chủ lực

Còn theo các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ giảm tốc là hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, thị trường tiêu thụ 60% gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau quãng thời gian bùng nổ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,1 tỷ USD. Đây là mức tăng khá thấp so với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã chi hơn 8,8 tỷ USD nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thế giới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ nhưng thị phần đã giảm từ 40% xuống còn 35%.  

Đáng chú ý, trong số 10 thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ thì chỉ có duy nhất Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm trong 4 tháng đầu năm nay, với mức giảm 1,7% xuống còn hơn 3 tỷ USD.

Trong đó, nhóm hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là đồ nội thất văn phòng (giảm 39,2%) và đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (giảm 10,2%). 

 Số liệu từ Usitc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Mỹ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Đầu tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc doanh nghiệp Việt sử dụng các bộ phận gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện phá phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng.

Trong danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cập nhật đến hết tháng 11/2021, riêng ngành gỗ đã có đến 4 sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại tại Mỹ.   

Những sản phẩm này gồm:  Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng,  tủ gỗ,  ghế sofa có khung gỗ,  gỗ thanh và viền dải gỗ.

Cuối năm nhiều thách thức

Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), “thủ phủ” đồ gỗ của Việt Nam dự báo ngành gỗ trong những tháng cuối năm 2022 sẽ đối mặt các thách thức lớn, theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Chủ tịch BIFA, Nguyễn Liêm, cho biết ngành gỗ đang đứng trước những khó khăn, thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ, châu Âu có xu hướng giảm do các biến động về địa chính trị và các khó khăn sau khi thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, đồng USD mất giá nên nhu cầu mua nội thất gỗ cũng ở mức thấp khi người dân ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu khác.

Theo khảo sát của BIFA, sắp tới, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương có thể không có đơn hàng để sản xuất như Công ty CP Karta, Công ty TPP One; một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng mới cũng giảm mạnh so với năm 2021 như Công ty TNHH TM & SX gỗ Thịnh Phát Tân Uyên; Công ty TNHH An Khang (cùng giảm 50%); Công ty TNHH Interwood (giảm 40%)… 

Đại diện một công ty chế biến gỗ cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp đang vướng chi phí đầu vào như: xăng dầu, chi phí logistics, các loại hóa chất sơn phủ sản phẩm… kéo theo giá thành sản phẩm rất cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp hạn chế nhận đơn hàng mới nếu không thương lượng được giá phù hợp.

Cùng lo lắng này, lãnh đạo Công ty CP Gỗ Minh Dương (TP Thuận An) cho biết, hiện đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã ký đến hết quý 3/2022 nhưng chi phí bị đội lên rất cao, trong đó dịch vụ phí xuất khẩu tăng chóng mặt.

Cụ thể, mỗi container xuất sang châu Âu đóng phí 6.000-8.000 USD, xuất sang Mỹ là 10.000-12.000 USD, gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc đàm phán nhận các đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.

Hoàng Hiệp