|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam và Campuchia đối thoại chính sách về thương mại gỗ

17:40 | 22/10/2018
Chia sẻ
Việt Nam và Campuchia có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ, tuy nhiên hai bên cần tăng cường giám sát nhằm hạn chế tối đa tình trạng trao đổi bất hợp pháp ở biên giới. 
 
viet nam va campuchia doi thoai chinh sach ve thuong mai go
Một dây chuyền sản xuất gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Nhận định này được các đại biểu tham gia chương trình “Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững” đưa ra.

Chương trình do Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/10.

Nhiều cơ hội hợp tác

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết những năm gần đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh và ổn định. Năm 2017, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8 tỷ USD.

Việc đảm bảo gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp là một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam; trong đó, gỗ nhập khẩu đã bổ sung nguồn nguyên liệu, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam thông tin năm 2017, ngành chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sử dụng khoảng 31 triệu m3 gỗ; trong đó, có 25 triệu m3 gỗ được trồng trong nước và nhập khẩu khoảng 7 triệu m3 trị giá 2,19 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 1,3 tỷ USD tiền gỗ nguyên liệu. Các sản phẩm gỗ nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là gỗ tròn, gỗ xẻ và gỗ ván sợi-ván dăm; trong đó, Campuchia là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Campuchia năm 2017 là trên 213 triệu USD. Riêng 9 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Campuchia là 84 triệu USD.

Ngược lại, Campuchia cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2017, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 8,27 triệu USD thì chỉ riêng 8 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Campuchia đã đạt 8,41 triệu USD.

Ông So Lorn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp rừng và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia chia sẻ Việt Nam được biết đến là quốc gia có trình độ chế biến gỗ, tay nghề lao động cao và có nhiều điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, Campuchia có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, lao động giá rẻ nhưng gặp khó khăn trong việc thiếu lao động có tay nghề, chất lượng sản phẩm chưa cao. Do đó, Việt Nam-Campuchia có thể đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào việc khai thác, chế biến gỗ ở Campuchia bằng việc nâng năng lực chế biến của Campuchia và chia sẻ thông tin về các thị trường thương mại dành cho sản phẩm gỗ.

Tăng cường kiểm soát thương mại biên giới

Việt Nam-Campuchia có hơn 1.100km đường biên giới trên đất liền, trải dài qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Capuchia. Do đó, việc trao đổi thương mại giữa hai nước qua các cửa khẩu khá thuận lợi. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với việc kiểm soát các hoạt động trao đổi thương mại bất hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm lâm nghiệp.

Ông Phạm Văn Điển cho biết để ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển, thương mại gỗ trái phép qua đường biên giới, trong những năm gần đây, Việt Nam và Campuchia đã ban hành và hoàn thiện thể chế, văn bản pháp luật liên quan. Hai bên thường xuyên phối hợp thực hiện hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương về lâm nghiệp, đặc biệt là việc quản lý rừng và thương mại lâm sản giữa các khu vực có chung đường biên giới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia và các địa phương có cửa khẩu giao thương giữa hai bên vẫn còn lúng túng trong việc thực thi các quy định pháp luật. Việc này một mặt ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mặt khác cũng là lý do để một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đưa ra những báo cáo phản ánh không đúng sự thật về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ qua đường biên giới Việt Nam- Campuchia, gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của hai nước.

Ông Teang David, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thực thi pháp luật, Tổng cục Lâm nghiệp Campuchia cho rằng việc thống kê xuất nhập, khẩu giữa Việt Nam và Campuchia chưa có sự thống nhất, dẫn đến sự khác biệt trong số liệu báo cáo của hai quốc gia. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có khi công bố các số liệu thống kê thương mại sản phẩm gỗ đến các tổ chức quốc tế, Việt Nam-Campuchia cần trao đổi phương thức thống kê và chia sẻ thông tin số liệu thống nhất.

Về vấn đề kiểm soát nguồn gốc gỗ, ông Teang David cho rằng quy định về xuất khẩu gỗ của Campuchia rất chặt chẽ, theo đó Campuchia chỉ xuất khẩu gỗ rừng trồng, không cho phép xuất khẩu các loại gỗ rừng tự nhiên, các loại gỗ quý... Những doanh nghiệp được cấp giấy phép và hạn mức xuất khẩu mới được phép xuất khẩu gỗ và lâm sản khác. Thách thức lớn hiện nay là tại khu vực biên giới tồn tại nhiều phương thức vận chuyển gỗ khác nhau mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết.

Các chuyên gia cho rằng cơ chế, chính sách quản lý hoạt động khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và Campuchia đều rất rõ ràng, chặt chẽ. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động trao đổi thương mại trong thực tế còn nhiều thách thức do đường biên giới chung quá dài.

Để trao đổi thương mại gỗ, sản phẩm từ gỗ giữa Việt Nam-Campuchia đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững, hai nước cần đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán gỗ trái phép; chia sẻ thông tin về chuỗi hành trình sản phẩm thông qua việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Đồng thời, hai bên phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động kiểm soát biên giới nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo tính bền vững cho ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu gỗ của hai quốc gia.

Xem thêm

Xuân Anh