|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quy định EUDR có cản đường ngành gỗ khai thác thị trường EU?

07:19 | 17/01/2024
Chia sẻ
Dư địa xuất khẩu gỗ sang EU vẫn rộng cửa, tuy nhiên các doanh nghiệp phải đáp ứng “luật chơi” của thị trường này và mới nhất là Quy định chống phá rừng (EUDR).

Muốn bước vào thị trường 23 tỷ USD, doanh nghiệp gỗ phải đáp ứng EUDR

Với dân số hơn 740 triệu người, EU được ví như "miền đất hứa" của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trên thế giới.Tuy nhiên, EU chiếm thị phần khá khiêm tốn trong cơ cấu xuất khẩu lâm sản của Việt Nam, chỉ khoảng 3-4% trong giai đoạn 2020-2023.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gỗ sang EU năm 2023 ước đạt 424 triệu USD, giảm 37% so với 2022, năm có mức nền khá cao và chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định nhu cầu tiêu thụ lâm sản, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại EU đạt trên 23 tỷ USD/năm, tuy nhiên giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt khoảng trung bình 600 triệu USD/năm. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang các khu vực này.

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Đồ hoạ: Phạm Mơ)

Dư địa xuất khẩu gỗ sang EU vẫn rộng cửa, tuy nhiên các doanh nghiệp phải đáp ứng “luật chơi” của thị trường này và mới nhất là Quy định chống phá rừng (EUDR).

EUDR chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng bao gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao, và đậu nành vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng.

Các doanh nghiệp quy mô lớn có 18 tháng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có 12 tháng (kể từ ngày EUDR có hiệu lực) để chuẩn bị các giải pháp thích ứng với quy định mới của EU.

 

Trao đổi với báo chí, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho biết kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ Việt Nam vào EU có tỷ trọng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 5% nhưng đây vẫn nằm trong top thị trường xuất khẩu chính.

Do vậy, ông Phúc cho rằng khi EUDR bắt đầu có hiệu lực, chắc chắn quy định này sẽ tác động đến một loạt các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

“Nhiều doanh nghiệp hiện không tham gia thị trường EU nhưng các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cũng đã cân nhắc cơ chế tương tự như EUDR. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho điều này”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Bài toán truy xuất nguồn gốc

Ông Tô Xuân Phúc đánh giá rủi ro về mất rừng liên quan tới quá trình sản xuất gỗ của Việt Nam rất thấp. Tuy nhiên, quy định EUDR đòi hỏi cần có bằng chứng cụ thể minh chứng cho điều này, đây mới thực sự là bài toán khó cho ngành gỗ Việt.

Theo ông Phúc, diện tích sản xuất gỗ này ổn định từ lâu, các diện tích mới mở rộng nhỏ nên mức độ rủi ro về phá rừng tính từ sau ngày 30/12/2020 tương đối thấp.

Tuy nhiên, ngành hàng này có sự tham gia của hàng triệu nông hộ, chuỗi cung ứng dài và phức tạp với nhiều khâu trung gian, trong khi cơ chế kiểm tra giám sát các giao dịch giữa hộ và tư thương chưa chặt chẽ.  Điều này gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc, trừ nguồn gỗ được khai thác từ các diện tích đã có chứng chỉ bền vững.

Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Forest Trends, diện tích rừng trồng sản xuất đạt 3,93 triệu ha, với khoảng 1,1 triệu hộ tham gia.

Tuy nhiên, 40% diện tích đất giao cho hộ chưa được cấp sổ, nghĩa là thiếu bằng chứng về tính hợp pháp của hộ đối với nguồn đất trồng rừng, tạo ra rủi ro về pháp lý cho hàng hóa.

Một lần nữa, ông Tô Xuân Phúc khẳng định EU là thị trường quan trọng của các mặt hàng gỗ Việt Nam. Việc thực hiện EUDR trong tương lai sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu mặt hàng này.

Hay nói cách khác, sự duy trì, co hẹp hay mở rộng thị trường đối với mặt hàng này tại thị trường EU trong tương lai phụ thuộc vào mức độ thích ứng của Việt Nam với EUDR.

Đây cũng là bước đà để ngành gỗ Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn khác bởi EU cũng đã cam kết sẽ thúc đẩy các nước này cùng chấp nhận và ban hành các chính sách tương tự để ngăn chặn quá trình mất rừng toàn cầu.

Đại diện Forest Trends khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng, xác định các rủi ro và phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy định trong chuỗi, và vị trí của thửa đất sản xuất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tìm kiếm nguồn lực từ các đối tác nhập khẩu EU nhằm thay đổi hoặc điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình để đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR.

Thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị áp dụng EUDR đang ngày càng co hẹp, ông Tô Xuân Phúc đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, cập nhật các thông tin và chia sẻ với các bên liên quan như hiệp hội, doanh nghiệp và EU về bản đồ thực trạng rừng, mất rừng, suy thoái rừng, hiện trạng đất đai – bản đồ số hóa…

Việc đáp ứng quy định EUDR, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc có thể giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị phần ở “miền đất hứa” EU và nhiều thị trường khó tính khác.

Phạm Mơ