|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp cà phê trước áp lực chạy đua với quy định chống phá rừng của EU

15:32 | 30/06/2023
Chia sẻ
Việt Nam chỉ có 18 - 24 tháng để chuẩn bị cho việc tuân thủ Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Trong khi đó, các vùng trồng cà phê Việt Nam rất manh mún, nhỏ lẻ nên việc tuân thủ sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức.

Ngày 16/5, Nghị viên Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng.

Theo Quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024; đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời hạn này được lùi xuống tháng 6/2025. 

EUDR mang đến những thách thức đáng kể cho ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường EU. 

Thời gian để Việt Nam chuẩn bị cũng rất gấp rút, chỉ trong vòng 18 - 24 tháng.  Trong khi đó, tại Hội nghị "Sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu", ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết các vùng trồng cà phê Việt Nam rất manh mún, nhỏ lẻ nên việc tuân thủ sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. 

Theo đó, hiện cả nước có hơn 1 triệu hộ trồng cà phê trong đó 70% hộ tham gia có diện tích dưới 0,5 ha. Do vậy chi phí tuân thủ rất tốn kém. 

 Hội nghị ‘Sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu. (Ảnh: H.Mĩ)

Từ phía doanh nghiệp, áp lực trong việc tuân thủ cũng rất lớn. Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết hiện tại chưa có bản đồ phân loại đâu là vùng trồng rủi ro cao, rủi ro thấp.

Giả sử Việt Nam nằm tròng vùng rủi ro thấp-trung bình thì phải truy suất được nguồn gốc lô hàng từ vùng đó. Tuy nhiên, hệ thống nông hộ hiện nay còn manh mún, để duy trì được hệ thống truy suất rất khó, việc chuyển đổi số vẫn còn thô sơ. Việt Nam chỉ có 18 - 24 tháng để chuẩn bị thì áp lực rất lớn.

Ông Huy cho biết hiện Simexco quản lý hơn 40.000 nông hộ. Khi có bản đồ từ phía EU, công ty sẽ phân loại từng nông hộ theo các cấp độ rủi ro khác nhau.  Công ty đã phối hợp với tổ chức IDH để làm mô hình thử nghiệm truy suất nguồn gốc của các xã, vườn. Tuy nhiên, phía EU chưa chốt rằng phương án của công ty có được chấp thuận hay không.

“Chi phí tuân thủ khá là cao, và cao hơn rất nhiều so với các chương trình đã triển khai trước đây, trong khi biên lợi nhuận ngành cà phê rất mỏng. Chúng tôi đồng thời phải đáp ứng được sản lượng cung cấp cho Châu Âu và lại phải đồng bộ các quy trình trong 1 thời gian ngắn. Tình hình rất căng thẳng. Do đó thông qua quá trình thí điểm này chúng tôi sẽ đề xuất phương án tối ưu nhất với chi phí thấp nhất”, ông Huy cho biết. 

Mặc dù vậy, ông Huy kỳ vọng sau giai đoạn thử thách này hiệu suất của ngành hàng sẽ tốt hơn và đây là cơ hội buộc ngành cà phê chuyển đổi số. 

“Chỉ khi ngành hàng bị đẩy vào thế như này thì các doanh nghiệp mới buộc phải lựa chọn: chuyển đổi hoặc là bị đào thải”, ông Huy nói. 

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan Châu Á, Tổ chức IDH cho rằng sự ra đời của quy định EUDR sẽ là một cú hích quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và nhà mua như không phá rừng, phát thải thấp và sinh kế nông hộ.

 

H.Mĩ