|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Trung Quốc rót vốn vào ngành gỗ Việt Nam

20:32 | 02/07/2018
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), có xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ ở Việt Nam trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung diễn ra căng thẳng.
doanh nghiep trung quoc rot von vao nganh go viet nam
Có xu hướng doanh nghiệp đầu tư sang ngành gỗ ở Việt Nam để "né" các chính sách trả đũa thương mại Mỹ-Trung.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng so với cùn kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 1,36 tỷ USD (tăng 11,5%); hơn 460 triệu USD (tăng 2,5%); gần 440 triệu USD (tăng 3%); và 375 triệu USD (tăng gần 50%).

Trong khi đó, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam cũng chi gần 1,1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ nguyên liệu chủ yếu là gỗ có nguồn gốc hợp pháp từ Mỹ, Đức, Pháp tiếp tục tăng trưởng, trong khi nguồn gỗ từ Campuchia, Malaysia giảm mạnh.

Theo Vifores, nguyên nhân trên là do doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ nguyên liệu tại các nước lân cận. Đồng thời, các nước Campuchia, Lào, Myanmar tiếp tục thắt chặt xuất khẩu gỗ thông qua chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng.

Cùng đó, trên thị trường thế giới, thương mại gỗ tiếp tục diễn ra sôi động trong khi nguồn cung khan hiếm, chính sách bảo hộ của Mỹ và biện pháp đáp trả từ các nước đối tác.

Nhập khẩu gỗ dán của EU trong những tháng đầu năm 2018 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gỗ nhiệt đới nhập khẩu của EU tăng liên tục trong 6 tháng trở lại đây do sự cạnh tranh thu mua khốc liệt từ các nhà nhập khẩu gỗ dán của Mỹ.

Ngoài ra, Canada cũng đã đáp trả chính sách thuế của Mỹ lên sản phẩm nhôm thép bằng kế hoạch giới hạn thương mại một loạt các sản phẩm từ Mỹ, trong đó có sản phẩm gỗ dán và ghế gỗ có hiệu lực từ 1/7.

Theo nhận định của Vifores, Trung Quốc có dấu hiệu tăng cường thu mua nguyên liệu từ các nước lân cận do thiếu hụt gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Mặt khác, do ảnh hưởng từ cẳng thẳng thương mại với Mỹ, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, gần đây một số doanh nghiệp Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2016 đã rộ lên việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lùng vào tận các vườn cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ để thu gom gỗ nguyên liệu cao su. Việc này, khiến nhiều doanh nghiệp nội kêu trời, lo ngại thiếu nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu.

Áp lực về nguồn cung gỗ nguyên liệu, thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và sự dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc đã, đang và sẽ còn tác động đến Việt Nam.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Cùng đó, cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm các quy định của các quốc gia nhập khẩu. Ở trong nước, sẽ tập trung đầu tư cho trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ và liên kết với người dân trồng rừng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Nam Khánh