|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bỏ xa Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ

15:12 | 28/02/2022
Chia sẻ
Năm 2021, Mỹ đã chi số tiền kỷ lục 24 tỷ USD để nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ.

Mỹ nhập khẩu kỷ lục đồ nội thất bằng gỗ, Việt Nam đứng đầu về cung cấp

Nền kinh tế Mỹ đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ vào năm 2021 sau khi Chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD cứu trợ trong mùa dịch COVID-19. Điều này đã giúp thị trường nhà ở phục hồi, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với đồ nội thất bằng gỗ tại Mỹ.

Số liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong năm 2021 đạt kỷ lục 24 tỷ USD, tăng mạnh 26,8% so với con số 19 tỷ USD của năm 2020.

Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ với kim ngạch 8,7 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2020 và chiếm 36% tỷ trọng trong tổng nhập khẩu ngành hàng này của Mỹ.

Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của ngành gỗ Việt Nam vào Mỹ. Đồng thời vượt xa con số xuất khẩu 5,3 tỷ USD của Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai.

Mặc dù vậy, nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ từ Trung Quốc năm 2021 đã tăng trở lại sau 2 năm suy giảm với mức tăng 22,1% so với năm 2020.

Các nhà cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn khác cho thị trường Mỹ trong năm 2021 bao gồm Mexico với 1,8 tỷ USD, Canada 1,4 tỷ USD, Malaysia 1,4 tỷ USD, Indonesia đạt 1 tỷ USD…

Bỏ xa Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ - Ảnh 1.

Việt Nam là thị trường cung đồ nội thất lớn nhất sang Mỹ trong năm 2021 (ĐVT: tỷ USD; Số liệu từ USITC. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Từ năm 2018 trở về trước Trung Quốc luôn nắm giữ thị phần lớn trong tổng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, chiếm tỷ trọng từ 45 – 50%.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc nổ ra, các mức thuế cao mà Mỹ áp dụng với đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc đã khiến các sản phẩm của Trung Quốc mất đi lợi thế xuất khẩu vào Mỹ.

Thay vào đó Việt Nam đã nổi lên như một nhà cung cấp thay thế hàng đầu và từ năm 2020 đến nay Việt Nam đã chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam vào Mỹ hiện đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước.

Bỏ xa Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: vietnamexport

Nhu cầu tăng mạnh, đặc biệt là ghế khung gỗ

Không chỉ nhu cầu tăng mạnh sau khi bị trì hoãn bởi đại dịch, sự gia tăng cũng được thúc đẩy bởi thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng khi xu hướng chuyển đổi sang làm việc tại nhà, từ xa.

Do tình hình dịch bệnh khiến người dân Mỹ ở trong nhà nhiều hơn, và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế với thói quen tiêu dùng đồng bộ.

Điều này được thể hiện trong xu hướng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ trong năm 2021 với nhập khẩu ghế khung gỗ ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 39,5% so với năm 2020, đạt 9 tỷ USD.

Ngoài ra, nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất phòng ngủ của Mỹ cũng tăng mạnh 14 – 24%. Trong khi đó, nhập khẩu đồ nội thất văn phòng chỉ tăng nhẹ 5,6%.

Trong đó, Việt Nam đẫn đầu về cung cấp ghế khung gỗ (chiếm 37%), đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (chiếm 35%), đồ nội thất phòng ngủ (48,1%) và đồ nội thất nhà bếp (26,8%) cho thị trường Mỹ.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ và thị phần của Việt Nam

Bỏ xa Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ - Ảnh 3.

Số liệu từ USITC. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng không ít rủi ro

Với mức tăng trưởng cao trong thời gian qua nhờ sự chuyển dịch các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam và triển vọng khả quan từ thị trường nhà ở tại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD trong năm 2022.

Đầu tháng 10/2021, Việt Nam và Mỹ đã ký thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Đây là cơ sở để Chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Mỹ, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam.

Mặc dù vậy, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics tăng cao.

Bên cạnh đó, những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn còn hiện hữu. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chính phủ Mỹ hiện tại đang điều tra mặt hàng gỗ dán và tủ bếp của một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Sản phẩm gỗ và gỗ dán đang là hai nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua.

Tăng trưởng nhanh trong nhập khẩu những mặt hàng này, đặc biệt trong bối cảnh từ lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu hình thành làm dấy lên các lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm quốc gia trung chuyển cho các mặt hàng của mình để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các thuế từ Mỹ đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.

Theo Tạp chí Hải quan, trong thu hút FDI vào ngành gỗ, một trong những điểm lo lắng nổi cộm vài năm gần đây là nảy sinh đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng", đẩy gỗ Việt vào nguy cơ của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.

Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2021, ngành chế biến gỗ và lâm sản có 203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó có 46 doanh nghiệp FDI.

Trong tổng số 46 doanh nghiệp FDI đăng ký thành lập mới trong ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam thì có tới 41 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Nguồn vốn đăng ký kinh doanh bình quân/doanh nghiệp khá thấp, chỉ đạt 1,5 triệu USD/doanh nghiệp.

Hoàng Hiệp

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.