CEO Gỗ Đức Thành: Không có nguyên liệu dự trữ, doanh nghiệp gỗ sẽ khó 'gồng' qua cơn bão giá
Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đường biển liên tục “leo thang” cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, nguy cơ lạm phát tăng cao, không ít các doanh nghiệp phải cân nhắc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp dù nhận thấy nhiều thách thức đang diễn ra nhưng vẫn không có ý định điều chỉnh mục tiêu. Chẳng hạn như Công ty CP chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) vẫn duy trì việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng gấp rưỡi về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.
Lý do gì khiến lãnh đạo doanh nghiệp không muốn hạ chỉ tiêu cho chính mình giữa bối cảnh khó khăn hiện nay? Để trả lời cho câu hỏi này, người viết đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành.
PV: Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó, Nga là một trong những quốc gia lớn cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc chiến Nga- Ukraine vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu của Gỗ Đức Thành có bị ảnh hưởng?
Ông Lê Hồng Thắng: Với Gỗ Đức Thành, nguồn nguyên liệu chính là gỗ cây trồng cao su, tràm bông vàng. Đây là các loại gỗ có khá nhiều tại Việt Nam nên công ty gần như không ảnh hưởng về vấn đề tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị bất ổn này có một phần ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Gỗ Đức Thành khi giá dầu tăng lên khiến mọi thứ đều tăng từ nguyên liệu gỗ, vật tư đi kèm đều tăng, chưa kể chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu, Mỹ, châu Á...cũng đều tăng đột biến.
Điều này gây nên khó khăn kép cho doanh nghiệp giữa lúc lạm phát vẫn tăng cao tại nhiều quốc gia. Bởi giá thành sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá bán bắt buộc phải tăng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ít đi, người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu, ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày nhiều hơn nên đây cũng là một cái khó không nhỏ của doanh nghiệp.
Các sản phẩm đồ dùng nhà bếp, đồ chơi trẻ em được sản xuất từ nguồn gỗ nội địa. (Ảnh: Như Huỳnh)
PV: Với doanh nghiệp ngành gỗ, nguyên liệu được xem là yếu tố then chốt trong bài toán kinh doanh. Tại Gỗ Đức Thành, vấn đề này được doanh nghiệp cân đối như thế nào giữa "cơn bão" giá hiện nay?
Ông Lê Hồng Thắng: Trên thương trường, doanh nghiệp nào nắm được nguồn nguyên liệu dồi dào, đó là sức mạnh. May mắn là Gỗ Đức Thành có nguồn nguyên liệu khá ổn định từ nội địa nên công ty có được một khoảng thời gian để "gồng" với diễn biến tăng giá nguyên liệu, chia sẻ với khách hàng mà không cần phải ngay lập tức thay đổi giá.
Bởi nếu không có nguyên liệu dự trữ doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, nhưng chỉ giảm được ở một mức nào đó, đến khi không "gồng" nổi sẽ bắt buộc thay đổi giá.
Mặc khác, nguồn nguyên liệu của chúng tôi gần như gần như không bao giờ cạn kiệt khi ngành cao su vẫn tiếp tục phát triển, bởi tự nó sẽ tái tạo trong tương lai khi các nông trường luôn có kế hoạch trồng mới và cần thanh lý nguồn gỗ hết hạn lấy mủ, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tự động có nguồn nguyên liệu dự trữ cho tương lai mà không cần phải đầu tư nhiều.
Và thành quả của việc dự trữ nguyên liệu này vốn đã được chứng minh trong quá khứ, ở giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, chúng tôi cũng từng có một quyết định táo bạo khi đầu tư nguồn vốn sẵn có để thu mua nguyên liệu với giá hời khi nguồn cung đang dư thừa, đến khi thị trường sôi động trở lại chúng tôi đã nhanh chóng gom hết các đơn hàng giữa lúc các đối thủ chưa có sự chuẩn bị kịp nguyên liệu, nhân lực... còn đối tác thì liên tục hối thúc giao hàng gấp.
Do đó, có thể nói, việc có sẵn nguồn nguyên liệu là một lợi thế của Gỗ Đức Thành giúp khách hàng không phải đột ngột tăng giá và cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi sau khó khăn.
PV: Nguồn dự trữ hiện tại giúp Gỗ Đức Thành "gồng" trong bao lâu?
Ông Lê Hồng Thắng: Chúng tôi thường dự trữ nguồn nguyên liệu trong khoảng 6 tháng nên thời điểm này công ty ước tính có thể sẽ "gồng" được tương ứng 6 tháng. Thời gian này được ước tính bởi thông thường, mức giá bán phải được giữ ít nhất 6 tháng, trừ trường hợp bất thường khách hàng vẫn chấp nhận cho mình thay đổi giá nhưng họ sẽ không mấy hài lòng. Bởi họ sẽ phải cắt bớt lợi nhuận chứ không thể thay đổi giá liên tục.
Từ kinh nghiệm trong các lần vượt khủng hoảng, tôi nhận thấy việc dự trữ nguyên liệu sẽ không bao giờ thừa mà đó là lợi thế của doanh nghiệp.
PV: Giả sử khi sử dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ này, nếu tình hình bất ổn vẫn kéo dài thì liệu công ty có đi đến quyết định tăng giá hoặc chấp nhận lợi nhuận giảm không?
Ông Lê Hồng Thắng: Sẽ không có một công thức cố định mà mục tiêu là vẫn phải tìm kiếm đơn hàng, có lợi nhuận, có việc làm cho người lao động.
Bởi việc tăng giá bán phụ thuộc vào tình hình giá nguyên liệu tại thời điểm đó, nhu cầu tiêu dùng có tăng hay không thì người sản xuất mới có thể điều chỉnh tăng giá bán. Hoặc nó còn tùy thuộc vào khách hàng, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp có thể thương lượng, thay đổi giá hay không, nếu không được mình phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận.
Ví dụ, tại thị trường Anh, thời điểm này dù giá bán của một số khách hàng đã thấp nhưng họ đang khó khăn đầu ra nên chúng tôi phải đồng hành, giảm giá hoặc cùng làm chương trình khuyến mãi để họ bán được hàng. Tức là chúng tôi phải linh hoạt, uyển chuyển theo tình hình thực tế.
Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành làm việc trực tiếp với người lao động tại nhà máy và văn phòng. (Ảnh: GDT)
PV: Trải qua nửa đầu năm 2022, kết quả hoạt động của Gỗ Đức Thành như thế nào? Việc ký kết đơn hàng mới đã đến thời điểm nào?
Ông Lê Hồng Thắng: Hết quý II doanh thu Gỗ Đức Thành ước tính tăng 20%, lợi nhuận tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm này, giá nguyên liệu gỗ vẫn chưa có dấu hiệu giảm, trong khi tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đều bị giảm sút do chi phí tăng, nhu cầu khách hàng giảm. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng nhưng sau đó khách hàng hoãn hoặc giảm số lượng đặt. Đây là bức tranh không mấy sáng sủa, không chỉ riêng với ngành gỗ mà rất nhiều ngành hàng khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động hiện nay.
Do đó, dù mùa vụ của ngành gỗ rơi vào quý III, IV và doanh nghiệp sẽ nhận đơn hàng gối đầu khoảng 1-2 quý, tức là khoảng tháng 5, tháng 6, Gỗ Đức Thành sẽ nhận nhiều đơn hàng cho quý III, quý IV. Tuy nhiên, năm nay mọi thông tin xấu lại dồn vào thời điểm này nên đơn hàng có chậm lại, công ty mới nhận đơn hàng đầy tháng 8 và bắt đầu nhận sang tháng 9.
PV: Trước những khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp có ý định điều chỉnh mục tiêu đã đề ra không?
Ông Lê Hồng Thắng: Tình hình hiện giờ, khó khăn là có nhưng nếu hỏi tôi có muốn thay đổi kế hoạch hay không thì tôi khẳng định là không. Vì nếu thay đổi, tức là chúng tôi đã cho phép mình từ bỏ mục tiêu quá sớm, không còn động lực để thực hiện do đó, chúng tôi vẫn muốn tìm mọi cách để làm sao đạt được kế hoạch này.
Ước tính kết quả hoạt động 6 tháng của Gỗ Đức Thành đã đạt khoảng 98 - 99% kế hoạch nửa năm, như vậy nửa chặng đường đầu gần như đã hoàn thành nên dù khó khăn, tôi cũng không muốn điều chỉnh mục tiêu mà phải giữ nguyên kế hoạch đó để cho anh em động lực cũng như áp lực cùng cố gắng.
PV: Nếu không điều chỉnh thì đâu là cách ứng phó khi tình hình đơn hàng chậm lại, nhu cầu khách hàng không còn khả quan như dự báo?
Ông Lê Hồng Thắng: Thời điểm này, chúng tôi không chấp nhận mất bất cứ đơn hàng nào. Trong một tháng gần đây, có những đơn hàng lợi nhuận rất thấp hoặc gần như không có, tôi phải xem xét, trực tiếp "ra trận" để trao đổi với khách, lấy cho được đơn đặt hàng đó. Có nghĩa là, chúng tôi cho anh em biết công ty không bỏ bất cứ cơ hội nào để giữ công việc, thu nhập cho người lao động và truyền động lực cho họ đeo bám mục tiêu.
Điều này sẽ được duy trì cho đến khi khó khăn qua đi, thị trường quay trở lại nhịp độ, khi đó tất cả nguồn nhận lực, năng suất của công ty cũng đều được duy trì và sẵn sàng đáp ứng ngay cho khách hàng.
PV: Được biết, công ty đang đàm phán mua lại toàn bộ quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, mối quan hệ khách hàng... của một doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất ở Đồng Nai. Lý do gì khiến doanh nghiệp quyết định nhảy thêm sang một mảng hàng mới vào lúc này?
Ông Lê Hồng Thắng: Lý do Gỗ Đức Thành quyết định mua lại nhà máy chế biến gỗ nội thất ở Đồng Nai bởi đây là một doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt, có khách hàng và sự ổn định trong sản xuất nên nếu thương vụ thành công, đây sẽ là cơ hội, triển vọng mới mở ra cho chúng tôi ở phân khúc nội thất.
Đánh giá về mảng nội thất, tôi cho rằng dù có mới nhưng không quá lạ vì trước đây khi chúng tôi tập trung làm đồ nhà bếp, đồ chơi trẻ em nhưng thi thoảng vẫn có làm đồ nội thất cho khách hàng, việc sản xuất nhóm hàng này chỉ khác biệt ở một vài công đoạn, dây chuyền so với nhóm sản phẩm đồ nhà bếp, đồ chơi mà công ty đang làm.
Vì thế, chúng tôi có thể tận dụng nguồn lực của Gỗ Đức Thành và sẽ không gặp nhiều khó khăn khi nhảy sang lĩnh vực mới. Vấn đề là làm sao duy trì lượng khách hàng, giữ doanh số mà nhà máy đang có.
Ngoài ra, công ty vốn đã có một nhóm khách hàng lâu nay vẫn có nhu cầu mua hàng nội thất, do đó, bây giờ thì Đức Thành sẽ có thêm nhà máy phục vụ họ ở nhu cầu này hoặc ngược lại, với khách hàng trước đó của nhà máy nội thất Đồng Nai, có thể họ sẽ cần mua đồ dùng nhà bếp, đồ chơi trẻ em thì từ giờ sẽ có thể mua được từ Đức Thành.
PV: Xin cảm ơn ông!