|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu đồ chơi Trung Quốc đạt 33,5 tỷ USD trong năm 2020

23:35 | 11/04/2021
Chia sẻ
Trung Quốc, nhà xuất khẩu đồ chơi lớn nhất thế giới, vừa công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất đồ chơi tại nước này tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2020, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu đồ chơi Trung Quốc đạt 33,5 tỷ USD trong năm 2020 - Ảnh 1.

Công nhân tại một xưởng sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua/Tân Hoa Xã).

Cụ thể, theo Hiệp hội các sản phẩm đồ chơi và trẻ em Trung Quốc (CTJPA), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xuất khẩu đồ chơi có giá trị tương đương 33,5 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Cũng theo cơ quan này, trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ chơi của nền kinh tế lớn thế giới cũng tiếp tục tăng cao, tương đương khoảng 5,02 tỷ USD, tăng 96,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, Trung Quốc ghi nhận hoạt động xuất khẩu đồ chơi tăng trưởng năm thứ 5 liên tiếp, kể từ năm 2016. Sau khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch trong nửa đầu năm 2020, hoạt động này đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng vào nửa cuối năm, cũng là lúc đại dịch tạm lắng xuống tại quốc gia Đông Á.

Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu đồ chơi Trung Quốc hàng đầu thế giới. Trong năm này, xuất khẩu đồ chơi từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang Mỹ đạt 8,57 tỷ USD, tương đương mức tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Các thị trường xuất khẩu đồ chơi khác của Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Nga, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Malaysia, cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2020. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu so với năm trước đó sang Saudi Arabia là 67,8%.

Tại Trung Quốc, doanh số bán đồ chơi ở thị trường nội địa tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 78 tỷ nhân dân tệ (khoảng 11,9 tỷ USD) vào năm 2020. Hiệp hội CTJPA lưu ý thị phần bán hàng trực tuyến tiếp tục tăng ở thị trường nội địa. 

Năm 2020, doanh số bán đồ chơi trực tuyến đạt 26,9 tỷ nhân dân tệ, chiếm 34,5% tổng doanh thu. Trong đó, các video bán hàng trực tuyến đã trở thành một kênh chính để tiếp cận người tiêu dùng.

Phương Nga