Tỷ trọng container từ ASEAN đến Mỹ lần đầu vượt mốc 20%, Việt Nam đóng góp gần một nửa
Trung tâm Hàng hải Nhật Bản (JMC) đã tổng hợp dữ liệu thương mại đường biển của 18 quốc gia/khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. Theo đó, tổng lượng container loại 20 foot đến Mỹ vào năm ngoái đạt 4,01 triệu chiếc, tăng 16,1% so với năm 2019 và lần đầu tiên vượt mốc 4 triệu.
Dữ liệu của JMC còn cho thấy trong năm 2020, tỷ trọng container hàng hóa xuất phát từ Singapore, Việt Nam và 6 nước Đông Nam Á khác tăng 2,3 điểm % lên 21,9%. Như vậy, đây là lần đầu tiên tỷ trọng container đi từ ASEAN đến thị trường Mỹ vượt mốc 20%, Nikkei Asia lưu ý.
Trong khi tỷ trọng của Đông Nam Á tăng lên thì tỷ trọng container xuất xứ từ Trung Quốc - vốn từng cao nhất trên toàn cầu, đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Theo số liệu của JMC, xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ cũng có nhiều cải thiện, phần nào cho thấy thói quen tiêu dùng mới của người dân Mỹ trong thời kỳ đại dịch.
Trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc không có dấu hiệu ngừng tăng, các nhà sản xuất buộc phải xây dựng dây chuyền mới bên ngoài đất nước tỷ dân. Chiến lược thích nghi này gọi là "Trung Quốc+1".
Khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào cuối năm 2018, doanh nghiệp càng khẩn trương dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan trừng phạt của Washington. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa sản xuất hơn, vì chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc bị gián đoạn và bộc lộ nhiều điểm yếu đáng ngại.
Cũng nhờ đó mà Việt Nam càng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Năm ngoái, tổng lượng container hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam sang Mỹ tăng 24,8% lên 1,99 triệu chiếc, chiếm tỷ trọng 10,8% (tức tăng 1,8 điểm % so với năm 2019).
Tỷ trọng container xuất xứ từ Thái Lan đến Mỹ tăng 0,3% điểm % lên 4,1%. Theo dữ liệu mới nhất đến tháng 1/2021, tỷ trọng của các quốc gia ASEAN tính chung đạt 23,3%, tức là vẫn trong xu hướng tăng so với số liệu do JMC mới công bố.
Tổng lượng container hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc (không bao gồm Hong Kong) tăng 2,4% so với năm 2019 lên 10,81 triệu chiếc. Con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh của năm 2018 khoảng 6,4%. Tỷ trọng container đi từ Trung Quốc đến Mỹ giảm 0,9 điểm % xuống còn 58,9%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ trọng của đất nước tỷ dân nằm dưới ngưỡng 60%.
Nikkei nhận định, tỷ trọng container có nguồn gốc từ ASEAN tăng lên phần nào có liên quan đến lối sống của người dân Mỹ trong thời kỳ giãn cách xã hội. Năm 2020, số lượng lô hàng đồ nội thất và thiết bị điện tử gia dụng từ ASEAN sang Mỹ đã tăng lần lượt 13,1% và 29,4% so với năm trước đó. Việt Nam, nền kinh tế tập trung nhiều nhà máy sản xuất đồ nội thất và điện thoại thông minh, được hưởng lợi từ xu thế này.
"Có khả năng là đại dịch COVID-19 đã tăng tốc làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lận cận [như Việt Nam]", một nguồn tin làm việc tại một công ty vận tải biển chia sẻ với Nikkei.
Giá cước vận tải biển đang tăng trên khắp châu Á. Theo Sàn Giao dịch Vận tải Thượng Hải, cước phí đối với container loại 40 foot đi từ Trung Quốc sang Mỹ rơi vào khoảng 4.008 USD, tăng khoảng ba lần so với cùng kỳ năm ngoái và là một trong các mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Nguồn tin của Nikkei cho biết, cước phí vận tải biển từ Đông Nam Á cũng đang cao gấp ba lần so với năm 2019. "Đặc biệt, Việt Nam và Thái Lan đang cực kỳ khan hiếm container", nguồn tin nói thêm.