|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may sang Mỹ, EU lập đỉnh 10 năm

14:30 | 21/05/2022
Chia sẻ
4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 6 tỷ USD, tăng 27%; EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 35%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu dệt may đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước và đạt trị giá cao nhất từ trước tới nay.

Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 12 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 6 tỷ USD, tăng 27%; EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 35%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012.

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

CTCK ACB (ACBS) cho rằng ngành dệt may Việt Nam không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Bởi Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.

Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sớm kín đơn hàng cho đến quý III, thậm chí cả năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng bật trở lại.

Cùng với các hiệp định thương mại (FTA), sản phẩm dệt may Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách thuế so với một số đối thủ, nâng cao sức cạnh tranh.

Tình trạng phong tỏa kéo dài do chính sách “Zero COVID” ở Trung Quốc có thể khiến một số đơn hàng từ Trung Quốc chuyển dịch sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt có thể chớp lấy cơ hội, gia tăng đơn hàng từ thị trường Mỹ, EU và CPTPP.

Tuy nhiên, ACBS cho rằng sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục trở thành vấn đề lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Việc phong tỏa nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc có thể tác động đến giá đầu vào, chi phí logistics và tiến độ sản xuất, giao hàng của doanh nghiệp.

Hoàng Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.