|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dệt may Thành Công (TCM) đã nhận đơn hàng tới hết quý III, lãi 91 tỷ đồng 4 tháng đầu năm

16:25 | 17/05/2022
Chia sẻ
4 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đã công bố tình hình kinh doanh trong tháng 4/2022 với doanh thu của công ty đạt hơn 17 triệu USD (khoảng 393 tỷ đồng), tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 834.000 USD (khoảng 19,2 tỷ đồng), tăng 1% so với cùng kỳ.

 Kết quả kinh doanh của công ty. (Ảnh: Dệt may Thành Công).

Cơ cấu doanh thu của Thành Công đến từ ba mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 78%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 7% tổng doanh thu.

Doanh thu lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đạt 64,3 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng), tăng 19% so với 4 tháng cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế 4 tháng đầu năm 2022 đạt 3,9 triệu USD (khoảng 91 tỷ đồng), tăng 14% so với 4 tháng cùng kỳ năm 2021.

Điểm lại tình hình kinh doanh quý I/2022, Thành Công ghi nhận doanh thu sau thuế đạt 1.081 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng; tăng lần lượt 19% và 17% so với cùng kỳ.

 Ảnh: Thành Công

Dệt may Thành Công xuất khẩu sang nhiều nhất là thị trường Mỹ (chiếm 33,18% tỷ trọng), thứ hai là thị trường Hàn Quốc (15,24%). Thị trường Canada xếp thứ ba với 16,77%, thứ tư là thị trường Nhật bản (15,24%). Đây là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty.

Công ty cho biết đã nhận đơn hàng đến quý III/2022 và đang nhận đơn hàng cho quý IV/2022.Công ty đã hoàn thành xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 với tổng mức đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm đất) với công suất khoảng 9 triệu sản phẩm/năm và đưa vào hoạt động 5 chuyền đầu tiên vào tháng 3/2022, góp phần đẩy mạnh sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 21,6 so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu xơ sợi tăng 13,2%, đạt 1,9 tỷ USD.

Thị trường ngành may được nhận định tương đối khả quan do các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn.

Xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí. Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may. 

Duy Anh