|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu châu Á ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

08:18 | 23/12/2019
Chia sẻ
2019 đánh dấu một năm tồi tệ nhất đối với thương mại châu Á - Thái Bình Dương kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước, với Liên Hợp Quốc đổ lỗi nguyên nhân cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Năm nay, lần đầu tiên sau hơn một thập kỉ, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến thương mại hàng hóa và dịch vụ giảm cả về số lượng và giá trị, theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP).

Về khối lượng, tổng xuất khẩu có thể giảm 2,5% và nhập khẩu giảm 3,5%. 

Dưới áp lực của mức giá thấp hơn, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu có thể giảm lần lượt 3,6% và 4,8%, ESCAP ước tính.

Trong đó, xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc dự báo giảm 1,4% về giá trị trong năm nay, Hong Kong 4,8% và xuất khẩu của Singapore giảm 14,9%. 

Dù cả ba nền kinh tế đều có mối liên kết cao, nhưng sự sụt giảm lớn nhất được ghi nhận ở Iran, khi quốc gia Trung Đông phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại nặng nề khiến xuất khẩu giảm 32,4% và nhập khẩu 19,7% trong năm nay.

Các nước phát triển trong khu vực đang trải qua khủng hoảng thương mại tồi tệ hơn so với những nền kinh tế đang phát triển. 

Chẳng hạn, Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, đã tận dụng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, bằng cách trở thành nhà cung cấp hàng hóa thay thế cho thị trường Mỹ. 

Vì vậy, ESCAP cho biết xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng 4,4% trong năm nay và 5,8% trong năm tới, tính theo giá trị.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ 4 nền kinh tế phát triển trong khu vực, gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, ước tính sẽ giảm 6,9% trong năm nay, so với mức giảm khiêm tốn 2,6% của các quốc gia đang phát triển.

"Trong tương lai, xuất - nhập khẩu được dự báo tăng trưởng khiêm tốn 1,5% và 1,4% vào năm 2020; tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm một số sự không chắc chắn về chính sách hay không", South China Morning Post trích báo cáo của ESCAP.

Rủi ro vẫn ẩn hiện bất chấp Mỹ - Trung đạt thoả thuận thương mại

"Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời, rủi ro vẫn đeo bám với các biện pháp hạn chế khác có thể được triển khai. 

Xung đột liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, minh bạch và can thiệp thị trường vẫn tồn tại. Hơn nữa, các hạn chế mới tiềm năng cũng có thể gồm các lĩnh vực liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu cụ thể, chẳng hạn như lĩnh vực ô tô", báo cáo cho biết thêm.

Mới đây Bloomberg trích nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc sẽ cho phép người mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ được miễn thuế trả đũa một cách thường xuyên hơn sau khi hai bên đạt được thỏa thuận.

Ngoài ra, hôm 19/12, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ miễn trừ thuế nhập khẩu cho 6 sản phẩm hóa học của Mỹ như nhựa và chất kết dính, sẽ có hiệu lực vào ngày 26/12 và kéo dài trong một năm.

Washington và Bắc Kinh đã công bố một thỏa thuận giai đoạn một ngay trước hạn chót (ngày 15/12) thuế quan 15% mới đối với khoảng 160 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. 

Trung Quốc, theo đó, cũng hủy thuế quan trả đũa. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu bị áp trước đó vẫn có hiệu lực đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ USD từ cả hai phía.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đang nhận thấy một đợt phục hồi khiêm tốn cho khu vực vào năm tới khi nền tảng của xuất khẩu châu Á, ngành công nghiệp điện tử, đang hồi phục,.

Dấu hiệu của sự phục hồi

Năm 2019, sự kết hợp giữa chiến tranh thương mại và tình trạng dư cung đã khiến doanh số bán hàng của sản phẩm chất bán dẫn, một thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, giảm 13,3%, theo Cơ quan Thống kê Thương mại Bán dẫn Thế giới.

Khoảng 60% tất cả chất bán dẫn được sản xuất tại châu Á - Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, cơ quan của ngành công nghiệp nhận định ngành có thể ghi nhận sự thay đổi vào năm 2020 và dự báo thương mại tăng trưởng 4,8% vào năm 2020 trong bối cảnh triển khai rộng rãi công nghệ 5G và xe cộ năng lượng mới, có thể thúc đẩy nhu cầu và giá.

Doanh số bán thiết bị bán dẫn của Mỹ - một chỉ số chính của doanh số chip toàn cầu - tăng 3,9% trong tháng 10 so với một năm trước đó. 

Theo SCMP, đây là dữ liệu mới nhất hiện có và là con số tích cực đầu tiên trong hơn một năm, thúc đẩy các nhà phân tích từ ngân hàng Nomura của Nhật Bản dự đoán doanh số sản phẩm bán dẫn sẽ tích cực trong quí/2020.

Các chuyên gia phân tích cũng điều chỉnh tăng triển vọng đối với hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á vào năm tới (dự báo không tính Nhật Bản).

Mặc dù vậy, các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với biến động lớn về "vận may" xuất khẩu vào năm tới, từ mức tăng trưởng 5,8% ở Việt Nam tới -8,8% ở Iran, ESCAP cho biết.

Mia Mikic, giám đốc thương mại, đầu tư và đổi mới tại ESCAP, nhận định cuộc chiến thương mại có thể phá huỷ hiệu quả chuỗi cung ứng nếu nó vẫn tồn tại. 

"Những công ty phục vụ nhu cầu cuối cùng tại Trung Quốc và các thị trường phát triển sẽ buộc phải nhân đôi đầu tư vào nhiều khu vực quyền hạn vì sự tách rời. Điều này sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và lợi nhuận đầu tư thấp hơn trong các hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu, bà Mikic cho hay.

Lyly Cao