|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra trông chờ ở thị trường Trung Quốc, tôm đối mặt với khó khăn kép

15:06 | 29/08/2022
Chia sẻ
VDSC cho rằng nửa cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, còn ngành tôm phải đối mặt với tác động kép từ cả phía cung và cầu cùng giảm.

Trong báo cáo ngành thủy sản, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng vọt 40% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ động lực nhu cầu thế giới tăng trở lại; tình trạng thiếu hụt thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu cá trắng do các lệnh trừng phạt Nga của EU và Mỹ.

Ngoài ra, lạm phát cao ở các nước lớn thúc đẩy tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ.

 (Nguồn: VDSC)

Đánh giá triển vọng nửa cuối năm 2022, VDSC cho rằng xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chậm hơn giai đoạn nửa đầu năm.

Nguyên nhân là thị trường Mỹ đang đối mặt với tình trạng dư cung trong quý III. Căng thẳng Nga-Ukraine khiến các nhà bán sỉ của Mỹ nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thủy sản quý I, II trong khi lạm phát đang diễn ra đã thắt chặt chi tiêu của khách hàng.

 (Nguồn: VDSC) 

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong nửa cuối năm 2022 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhu cầu tăng nhanh sau hai năm giảm sẽ là động lực cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, nhu cầu từ các thị trường khác có thể ổn định trong bối cảnh lạm phát cao để thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm thực phẩm giá rẻ.

VDSC kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu nửa cuối năm nay sẽ ít tăng đột biến hơn so với giai đoạn 2018-2019 do chi phí thức ăn cao và nguy cơ nhu cầu giảm đã hạn chế hoạt động nuôi mới.

Điều này cũng thúc đẩy giá bán neo ở mức cao. Xuất khẩu cá tra quý IV có thể tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho và tăng lượng hàng dự trữ cho mùa lễ hội.

Ở chiều ngược lại, ngành tôm có thể đối mặt nhiều thử thách trong nửa cuối năm 2022 do giá nguyên liệu tăng cao do dịch bệnh ở tôm khiến nguồn cung giảm; cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ, Indonesia và Ecuador; lạm phát toàn cầu cao dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm cao cấp như tôm; tồn kho tôm tại Mỹ và EU ở mức cao. 

(Nguồn: VDSC) 

Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 7 giảm 13%, dấu hiệu rõ ràng nhu cầu đã hạ nhiệt. Trên cơ sở đó, dự kiến các doanh nghiệp ngành tôm sẽ đối mặt với tác động kép từ cả phía cung và cầu giảm trong nửa cuối năm 2022, ngược lại với diễn biến 6 tháng đầu năm.

Việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường là một yếu tố tích cực nhưng phần lớn các doanh nghiệp tôm niêm yết lớn như Minh Phú, Sao Ta… không xuất khẩu sang thị trường này.

Điều này sẽ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tôm có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu từ các thị trường chính giảm.

Hoàng Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.