|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản bắt đầu thấm đòn lạm phát

14:41 | 26/08/2022
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy sản tháng 7 đã chững lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh do tác động của lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa đầu năm 2022 đạt tăng trưởng cao kỷ lục 40% bất chấp lạm phát và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu.

Tuy nhiên từ tháng 7, xuất khẩu thủy sản đã chững lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh do tác động của lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu.

Tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát hàng năm tới tháng 6 lên tới 9,1% mức kỷ lục từ năm 1981. Bước sang tháng 7, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống 8,5% nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung.

VASEP cho biết xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5, tăng trưởng âm vào tháng 6 và đặc biệt giảm sâu tới 30,5% vào tháng 7. Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%, cá tra giảm 4%.

Tuy nhiên lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 1,5 tỷ USD.

 (Số liệu: VASEP, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Tương tự như Mỹ, tỷ lệ lạm phát ở EU cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7 với 8,9% khi căng thẳng Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt, giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao. Cơn bão lạm phát đang chặn đứng sự hồi phục nhu cầu của thị trường sau đại dịch COVID.

Điều này khiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang EU trong tháng 7 đã hạ xuống 18% từ mốc 31% của quý II.

Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã giảm rõ rệt so với những tháng trước, song vẫn tăng so cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, xuất khẩu tôm chân trắng sang EU trong tháng 7 tăng 11%, tôm sú tăng 34%, cá tra tăng 64%, cá ngừ tăng 16%, bạch tuộc tăng 45%; còn mực giảm 17%, chả cá surimi giảm 26%...

Tuy nhiên tính đến hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Cũng giống các nước EU, thị trường Anh cũng quay cuồng trong vòng xoáy lạm phát với mức cao kỷ lục 40 năm với tỷ lệ 10,1% tính đến tháng 7. Cùng tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga, Anh cũng bị điêu đứng vì lạm giá phát thực phẩm.

Điều này khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đã giảm 12% trong quý II và tiếp tục giảm 18% trong tháng 7.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Anh giảm 27%, cá ngừ và các loại cá biển khác giảm lần lượt 54% và 28%.

Lạm phát giá và thiếu cá tuyết và minh thái từ Nga nên người Anh ưu tiên tiêu thụ cá tra, giúp xuất khẩu mặt hàng này sang Anh vẫn tăng 45% trong tháng 7.

Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Anh 176 triệu USD, giảm gần 5%.

Khác với Mỹ, EU, Anh, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 7 vẫn tăng 25%. Tuy nhiên, nhu cầu ở thị trường này đang có dấu hiệu chững lại, cùng với rào cản kiểm tra COVID trên sản phẩm nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Từ tháng 7, Trung Quốc đã đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện có dấu vết virus Sar-CoV-2. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiểm tra online qua video và thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với doanh nghiệp nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 17%, cua ghẹ giảm 47%. Tuy nhiên, cá tra vẫn giữ tăng trưởng cao 54%, mực bạch tuộc tăng 140%...

Kết quả này đưa xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm mang về trên 1 tỷ USD, tăng 72%.

VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2022 sẽ khó tăng trưởng cao như đầu năm do khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá và lạm phát. Song VASEP vẫn lạc quan về con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022 nhờ đà tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm.

Hoàng Anh