Xuất khẩu cà phê Ấn Độ giảm năm thứ hai liên tiếp
Xuất khẩu cà phê Ấn Độ giảm năm thứ hai liên tiếp
Năm 2019, xuất khẩu cà phê Ấn Độ giảm năm thứ hai liên tiếp vì lượng cà phê sẵn có sụt giảm khi sản lượng thấp hơn trong vụ mùa 2018 - 2019 kết thúc vào tháng 9, theo The Hindu Business Line.
Do đó, các nhà xuất khẩu đã không thể đáp ứng các đơn đặt hàng mới để xuất khẩu cà phê ra nước ngoài trong bối cảnh sợ mất thị phần ở châu Âu, điểm đến chính của cà phê nước này, cho các nhà sản xuất lớn như Việt Nam.
Tính đến ngày 3/10, xuất khẩu cà phê từ Ấn Độ, gồm cả tái xuất khẩu, ở mức 290.000 tấn, cao hơn một chút so với năm ngoái là 289.000 tấn.
Sự gia tăng cận biên là do tái xuất khẩu cao hơn, ở mức 70.201 tấn so với 68.637 tấn trong năm ngoái.
Sản lượng cà phê ở Ấn Độ đạt 220.000 tấn, cao hơn một chút so với 219.000 tấn trong cùng kì.
"Nguồn cung cà phê không đủ và xuất khẩu trong tháng 10 sụt giảm khiến khối lượng xuất khẩu có thể giảm một vài điểm phần trăm", ông Ramesh Rajah, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê cho biết.
Năm 2018, xuất khẩu cà phê của Ấn Độ đạt 350.000 tấn, giảm so với mức kỉ lục 378.000 tấn trong năm 2017. Các lô hàng trong quí IV năm 2018 ở mức 63.217 tấn.
Ông Rajah cho rằng khối lượng cà phê sẵn có cho lô hàng tháng 10 hạn chế chủ yếu là do vụ mùa tồi tệ năm ngoái. Sản lượng trong năm cà phê 2018 - 2019 đạt 319.000 tấn, theo ước tính sau gió mùa của Hội đồng cà phê Ấn Độ.
"Vì lượng cà phê sẵn có hạn hẹp nên dự đoán xuất khẩu trong quí IV sẽ không khả quan. Các nhà xuất khẩu cũng không muốn gia tăng các đơn hàng vì không chắc chắn về nguồn cung. Tuy nhiên, họ lo ngại về việc mất thị trường cho các nhà sản xuất lớn như Việt Nam", theo ông Rajah.
"Việt Nam đang tiếp cận thị trường châu Âu. Nếu Ấn Độ không thể phục vụ cho thị trường đó, chúng tôi có thể mất dần thị phần".
Hơn nữa, vụ mùa cà phê năm 2019 - 2020 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm trước do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy nhiên, không có sự chắc chắn về qui mô cây trồng vì Hội đồng cà phê vẫn chưa đưa ra ước tính cho vụ mùa tới.
Mưa rào thất thường vào đầu năm cùng với nhiệt độ cao đột ngột dẫn đến sự gia tăng của bệnh sâu đục thân trắng gây ảnh hưởng đến vụ mùa. Ngoài ra, gió mùa không ngừng khiến quả mọng rơi xuống và sản lượng thấp hơn.
"Hai năm liên tiếp thời tiết xấu và giá thấp kỉ lục không phải là điều kiện tốt đối với ngành cà phê", ông Rajah bày tỏ.