|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho ở mức thấp, xuất khẩu cà phê tháng 10 chạm đáy 12 năm

07:22 | 13/11/2023
Chia sẻ
Khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 đã giảm xuống chỉ còn 43.725 tấn, mức thấp nhất trong 12 năm qua do tồn kho ở mức thấp sau niên vụ 2022-2023. Tại trong nước, vụ thu hoạch 2023-2024 đã bắt đầu và giá cà phê đang ở mức khá cao so với niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê chạm đáy về lượng nhưng đạt đỉnh mới về giá

Số liệu được công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10 chỉ đạt 43.725 tấn (khoảng 728.750 bao, bao 60 kg), giảm 14,2% so với tháng trước và giảm tới 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất của ngành cà phê trong 12 năm qua (kể từ tháng 11/2011), cho thấy lượng hàng gối vụ dường như còn không đáng kể.

Theo Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), lượng cà phê xuất khẩu giảm nhiều từ tháng 8 đến tháng 10/2023 chủ yếu là do sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Niên vụ trước tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 khoảng 160.000 tấn, trong khi tháng 9/2023 chỉ trên dưới 58.000 tấn.

Với kết quả này, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn với kim ngạch 3,3 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tuy nhiên, giá xuất khẩu cà phê trong tháng 10 đã nối dài đà tăng trong tháng thứ 8 liên tiếp lên mức kỷ lục mới là 3.603 USD/tấn, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng 40% (tương ứng 1.042 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân 10 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu của nước ta đã tăng 10,6% so với cùng kỳ lên 2.535 USD/tấn.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết thị trường chính đều sụt giảm trong 10 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 37% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước với 480.263 tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ hai của nước ta cũng chậm lại và giảm 3,5% so với cùng kỳ, đạt 93.866 tấn.

Trong khi đó, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng gồm Indonesia (+152,3%), Algieria (+52,3%), Mexico (+39,7%)…

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Hứa hẹn tiếp tục được giá trong vụ 2023-2024

Hiện nông dân trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang bước vào thu hoạch niên vụ 2023 - 2024. 

Tính đến ngày 12/11 Giá thu mua cà phê robusta nhân xô dao động ở mức 57.600 – 58.200 đồng/kg, giảm hơn 12% kể từ đầu niên vụ mới đến nay, nhưng vẫn cao hơn khoảng 45% (18.000 đồng/kg) so với cùng kỳ năm 2022.

Đây cũng là mức giá tương đối cao so với thời điểm thu hoạch của nhiều năm trở lại đây, điều này hứa hẹn sẽ có thêm một vụ mùa được giá tiếp theo trong niên vụ 2023-2024. Đặc biệt là trong bối cảnh sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm thứ hai liên tiếp.

Theo dự báo của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 10% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.

Bên cạnh đó, do giá cà phê đang có xu hướng giảm nên một số vùng có hiện tượng hái xanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê đầu niên vụ.

   Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp

Về tiến độ thu hoạch, VICOFA cho biết niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 11 và tháng 12/2023.

Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng trước đó để trồng sầu riêng, trái cây và nhìn chung do giá cà phê những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê cả nước hiện vào khoảng 710.000 ha trong đó đang cho thu hoạch: 653.000 ha. Sản lượng hơn 1,8 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha.

Ngoài ra, VICOFA cho biết Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 102.100 tấn cà phê từ các nước trên thế giới trong niên vụ 2022-2023 với kim ngạch 299,6 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 9,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.

Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022-2023 là 98.600 tấn, kim ngạch 246,3 triệu USD, tăng 19,1% về khối lượng và tăng 23,1% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.

Còn nhập khẩu cà phê chế biến khoảng 3.500 tấn, kim ngạch 53,2 triệu USD, giảm 45,8% về khối lượng và giảm 28,6% về kim ngạch so với niên vụ trước.

Việt Nam nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore,... 

Lượng cà phê này nhằm phục vụ chế biến xuất khẩu. Đồng thời, cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê arabica.

Tiêu thụ cà phê nội địa cũng có những bước phát triển mạnh trong trong những năm qua. Trong giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7kg năm 2015 lên 2,2kg năm 2022.

Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.

Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam do iPOS thực hiện), đến hết năm 2022 Việt Nam có 338.600 nhà hàng/quán cà phê, giai đoạn 2016-2022 với tốc độ tăng hàng năm (CAGR) khoảng 2%, so với 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm: 18.000 nhà hàng/quán cà phê mới.

Hoàng Hiệp

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.