|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023

13:29 | 09/11/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 123 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 7,3 triệu bao so với niên vụ trước. Trên thị trường thế giới, giá robusta đang có sự điều chỉnh giảm trong khi arabica lại tăng lên.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 7,3 triệu bao

Số liệu từ ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 đạt 8,6 triệu bao, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc niên vụ 2022-2023 (22/10 đến 23/9), tổng cộng đã có 123 triệu bao cà phê được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 7,3 triệu bao (tương ứng 5,6%) so với 130,3 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica đạt 73,7 triệu bao, giảm 9,5%; trong khi robusta đạt 49,3 triệu bao, tăng nhẹ 0,8%.

Con số này cũng khá trùng khớp với nhận định của ICO về cung – cầu cà phê thế giới trong niên vụ 2022-2023. ICO ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ chứng kiến thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Về chủng loại, trong tháng 9 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 7,8 triệu bao, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính đến hết niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 110,8 triệu bao, giảm 5,5% so với niên vụ 2021-2022 và chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Theo ICO, môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu không thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trong niên vụ cà phê 2022-2023, lạm phát và lãi suất tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn đã làm tăng chi phí sinh hoạt và làm giảm thu nhập khả dụng của một bộ phận lớn người tiêu dùng trên thế giới.

Những yếu tố này dường như đã khiến cho sự suy giảm trong tiêu thụ cà phê và làm giảm xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu.

Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 có thể liên quan nhiều đến logistics, chuỗi cung ứng hơn là sức khoẻ nền kinh tế và mức tiêu thụ cà phê thực tế.

Cũng theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt trung bình 118,1 triệu bao trong các niên vụ từ 2018-2019 đến 2021-2022, tăng 8,5 triệu bao so với bình quân 109,6 triệu bao trong niên vụ 2014-2015 đến 2017-2018. Điều này cho thấy lượng dự trữ đã tăng lên ở các quốc gia không sản xuất, vốn đã giảm mạnh trong 12 tháng qua.

Trong tháng 9, xuất khẩu tất cả các nhóm cà phê đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái gồm arabica Brazil giảm 13,4%, arabica Colombia giảm 6,7%, arabica khác giảm 13,1%, robusta giảm 13,6%.

Tính chung niên vụ 2022-2023, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil đã giảm 8,5% so với niên vụ trước xuống còn 34,2 triệu bao. Xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia cũng chứng kiến sự sụt giảm 11,2% xuống chỉ còn 10,8 triệu bao; nhóm arabica khác giảm 12,1% xuống 22,1 triệu bao.

Như vậy, tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt hơn 67 triệu bao, giảm 10,1% so với 74,6 triệu bao của niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Nhìn chung, đối với cà phê arabica, xuất khẩu dường như bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng tăng sử dụng hàng tồn kho và nhập khẩu ít hơn của các nước tiêu thụ. Bên cạnh đó là xu hướng thay thế cà phê arabica bằng robusta có giá cạnh tranh hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và thu nhập giảm.

Thời tiết bất lợi cũng là một trong những yếu tố khiến xuất khẩu cà phê arabica toàn cầu giảm. Đặc biệt là cà phê arabica Colombia đã giảm xuống dưới mốc 11 triệu bao lần đầu tiên kể từ niên vụ 2012-2013.

Nguồn cung của Colombia, quốc gia xuất khẩu chính của nhóm cà phê này bị gián đoạn bởi thời tiết đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này trong phần lớn niên vụ 2022-2023. Số liệu cho thấy, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Colombia đã giảm 13,1% xuống 9,4 triệu bao trong niên vụ vừa qua, lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 triệu bao kể từ vụ 2013-2014.

Trái ngược với arabica, xuất khẩu cà phê robusta tăng 2,6% trong niên vụ 2022-2023 lên gần 43,8 triệu bao so với 42,7 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Trong số bốn nhóm cà phê, robusta là nhóm duy nhất có mức tăng trưởng tích cực trong niên vụ 2022-2023, do được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch từ arabica sang các loại cà phê có giá cạnh tranh hơn.

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã tăng lên mức 39,5% trong niên vụ 2022-2023, cao nhất trong nhiều niên vụ trở lại đây.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê robusta có phần chậm lại trong những tháng gần đây. Tính riêng tháng 9 lượng robusta xuất khẩu thấp nhất kể năm 2012. Chủ yếu là do xuất khẩu từ Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới giảm 43,4%, chỉ đạt 0,8 triệu bao - mức thấp nhất trong các tháng 9 kể từ năm 2008. 

Việt Nam đã phải đối mặt với nguồn cung cạn kệt kể từ đầu quý IV niên vụ cà phê 2022-2023, khi tồn kho được báo cáo ở mức thấp vào thời điểm vụ thu hoạch vẫn còn 3-4 tháng nữa mới bắt đầu. 

Tỷ trọng cà phê arabica và robusta trong xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan đã giảm 27,3% trong tháng 9 và giảm 5,7% trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 11,47 triệu bao. Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu là 9,1%, giảm nhẹ từ mức 9,3% của niên vụ trước.

Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với 0,3 triệu bao trong tháng 9 và gần 3,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Xuất khẩu cà phê đã rang toàn cầu cũng giảm 26,7% trong tháng 9 và giảm 16% trong niên vụ 2022-2023, chỉ đạt 0,7 triệu bao.

Tỷ trọng các loại cà phê xuất khẩu toàn cầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Suy giảm ở hầu khắp khu vực

Trong tháng 9, xuất khẩu tất cả các dạng cà phê ghi nhận sự sụt giảm ở hầu khắp các khu vực so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Nam Mỹ giảm 3,4%, châu Phi giảm 1,9%, Trung Mỹ và Mexico giảm 9,2%, đặc biệt châu Á và châu Đại Dương giảm tới 35,7%.

Kết thúc niên vụ 2022-2023, Nam Mỹ vẫn là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới với 50,6 triệu bao, giảm 11% so với niên vụ trước.

Hai nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất khu vực là Brazil và Colombia chứng kiến ​​khối lượng xuất khẩu giảm lần lượt 7,9% và 12,8%.

Trong giai đoạn từ 2018-2019 đến 2022-2023, trung bình 93,2% tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh từ Nam Mỹ là cà phê arabica. Do đó sự sụt giảm nhu cầu với loại cà phê này là yếu tố chính khiến cho thương mại cà phê của khu vực giảm ở mức hai con số trong niên vụ vừa qua.

Ngoài ra, xuất khẩu của Brazil giảm còn do nguồn cung tương đối hạn chế sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình. Colombia cũng gặp khó khăn về nguồn cung do thời tiết bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực qua các niên vụ từ 2019-2020 đến 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Tiếp đến là khu vực châu Á và Châu Đại Dương đạt 43,56 triệu bao, giảm nhẹ 0,9% so với niên vụ 2021-2022. Đây là mức giảm thấp nhất trong số các khu vực nhờ sự lên ngôi của cà phê robusta, chủng loại chiếm 89,1% tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh của khu vực châu Á và châu Đại Dương trong niên vụ 2018-2019 đến 2022-2023.

Trong niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng nhẹ 0,4% lên 28,3 triệu bao từ 28,2 triệu bao của niên vụ trước.

Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 3,1% xuống 15,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do xuất khẩu của Guatemala và Mexico giảm lần lượt là 11,5% và 16,5%, trong khi tăng 13,5% tại Honduras.

Tương tự, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi giảm 1,4% xuống 13,5 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực này đã tăng trưởng khá tích cực trong quý cuối cùng của niên vụ. Nhà sản xuất chính trong khu vực là Uganda đã tận dụng tốt cơ hội để lấp đầy khoảng trống trên thị trường robusta mà Việt Nam cũng như khu vực châu Á và châu Đại Dương để lại. 

Giá cà phê robusta hạ nhiệt trong khi arabica đang tăng lên

Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã giảm nhẹ 0,8% trong tháng 10 xuống mức bình quân 151,6 US cent/pound, tương ứng với giá dao động trong khoảng 146 - 160,1 US cent/pound. 

Chủ yếu là do giá cà phê robusta giảm 4,1% so với tháng trước xuống chỉ còn 118,8 US cent/pound.

Trong khi giá cà phê arabica Colombia và arabica khác tăng lần lượt 0,5% và 0,2% lên 186 US cent/pound và 184 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil cũng tăng 0,9% lên mức trung bình 155,5 US cent/pound. 

Diễn biến giá của các nhóm cà phê từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2023

 Nguồn: ICO 

Trên thị trường kỳ hạn New York, giá cà phê arabica tại sàn hàng hóa ICE tăng 1,5% lên 155,9 US cent/pound. Ngược lại, giá robusta kỳ hạn tại London giảm 3,4% xuống còn 105,4 US cent/pound.

Do đó, chênh lệch giá cà phê giao dịch trên hai sàn giao dịch London và New York đã tăng 13,7% lên 50,5 US cent/pound trong tháng 10.

Tồn kho cà phê được chứng nhận tại New York và London có xu hướng giảm trong tháng vừa qua. Trong đó, tồn kho robusta trên sàn London giảm 7,9% xuống 0,67 triệu bao (loại 60 kg), arabica được chứng nhận tại New York giảm 10,7% xuống còn 0,44 triệu bao và là con số thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Tồn kho cà phê thế giới đến tháng 10/2023

 Nguồn: ICO 

Hoàng Hiệp