|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê chế biến: Động lực tăng trưởng mới của ngành cà phê?

13:49 | 09/11/2023
Chia sẻ
Tính chung trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, xuất khẩu cà phê chế biến tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm. Chế biến sâu được xem là một trong những lời giải cho bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.

Xuất khẩu tăng trưởng hai con số

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 3,3 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực với sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm chế biến (cà phê hoà tan, rang xay...).

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 9 xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng 25,7% (tương ứng 123,7 triệu USD) so với cùng kỳ ngoái lên 604,8 triệu USD.

Tỷ trọng của cà phê chế biến đã tăng lên mức 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước so với 15,5% của cùng kỳ.

Trước đó, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam cũng tăng trưởng 18% trong năm 2022 và đạt hơn 677 triệu USD. Tính chung giai đoạn từ năm 2014 đến nay, xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm.

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan (Tổng hợp: Hoàng Hiệp) 

Ở chiều ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân đã giảm từ mức 84,5% của cùng kỳ xuống còn 80,7% trong 9 tháng đầu năm 2023. Chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu cà phê arabica giảm 34,3%, chỉ đạt 136,8 triệu USD; cà phê robusta giảm 1,3%, đạt 2,4 tỷ USD.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan (Tổng hợp: Hoàng Hiệp) 

Các thị trường tiêu thụ cà phê chế biến của Việt Nam hiện nay gồm Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia…

Trong đó, đứng đầu là EU với kim ngạch xuất khẩu đạt 106,6 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam.

Tây Ban Nha, Ba Lan là hai thị trường xuất khẩu cà phê chế biến lớn nhất của Việt Nam tại EU, đạt lần lượt là 53,5 triệu USD và 18,6 triệu USD, tăng 107,2% và 49% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cà phê chế biến sang thị trường châu Âu đang được các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến do xuất khẩu sang khu vực này được hưởng thuế suất bằng 0% sau khi EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Ngoài EU, xuất khẩu cà phê chế biến sang các thị trường khác cũng đang được đẩy mạnh như: Trung Quốc đạt 65 triệu USD, tăng 7,3%; Nhật Bản đạt 62,9 triệu USD, tăng 22,5%; Indonesia tăng 44,6%, đặc biệt Thái Lan tăng tới 175%...

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)  

Cà phê chế biến: Một trong những giải cho bài toán xuất khẩu 6 tỷ USD của ngành 

Theo các chuyên gia, cà phê chế biến được xem là một trong những lời giải cho bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.

Mặc dù chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước nhưng kim ngạch cà phê chế biến đang chiếm tới hơn 19% doanh thu toàn ngành. Giá xuất khẩu trung bình cà phê chế biến trong 9 tháng đầu năm nay lên đến 5.413 USD/tấn, gấp 2,5 lần so với giá cà phê nhân. 

Trong các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%. Đây được xem là lợi thế để Việt  Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu hàng đầu khác như Brazil, Indonesia...

Những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến để tạo ra các sản phẩm cà phê hòa tan như: Tập đoàn Intimex, Cà phê Tín Nghĩa, Cà Phê Vĩnh Hiệp... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã rót vốn vào Việt Nam để xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu.

Đầu tháng 10, Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (sở hữu chuỗi Highlands Coffee) khởi công xây dựng dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên, vốn đầu tư tới 500 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng đưa cà phê rang xay Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nhà máy có công suất đạt gần 10.000 tấn cà phê/năm giai đoạn đầu và có thể tăng lên 75.000 tấn/năm giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, ngày 29/9, hai doanh nghiệp châu Âu là Louis Dreyfus Company (LDC) và Instanta Sp. z o.o. (Instanta) đưa vào hoạt động liên doanh ILD Coffee Việt Nam, với nhà máy chế biến cà phê có công suất 5.600 tấn/năm tại Bình Dương.

Đây là nhà máy đầu tiên được LDC và Instanta xây dựng tại Việt Nam phục vụ xuất khẩu, cung cấp các sản phẩm cà phê hòa tan đặc biệt, với công thức được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng tại các thị trường châu Âu, cũng như các thị trường mới nổi ở châu Á.

Trong khi đó, “ông lớn” ngành cà phê là Nestlé cũng cam kết tiếp tục bơm vốn mở rộng sản xuất, nhất là với dự án nâng gấp đôi công suất của nhà máy cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu.

Nhờ vậy, tình hình sản xuất xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua. Theo dữ liệu từ Statista, tính đến năm 2022 sản lượng cà phê rang xay và hòa tan của Việt Nam là 154.000 tấn, tăng 43% so với cách đây 5 năm và gấp 2,3 lần so với năm 2010.

Nguồn: Statista. (Tổng hợp; Hoàng Hiệp)

Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam sẽ tăng từ 2,35 triệu bao trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 2,5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Qua đó đưa Việt Nam vượt qua Malaysia để trở thành nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn thứ hai thế giới chỉ sau Brazil, với thị phần chiếm 13,5% tổng xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu.

Về nhu cầu tiêu thụ, số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê hoà tan toàn cầu đã thiệt lập kỷ lục mới là hơn 6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 18,6% so với năm 2021.

Tại châu Âu, đại dịch COVID-19 và lạm phát đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và khiến mức tiêu thụ cà phê tại nhà lên. Cà phê hòa tan được hưởng lợi từ xu hướng này.

 Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế. (Tổng hợp Hoàng Hiệp)

Báo cáo do The Brainy Insights công bố cho thấy, thị trường cà phê hòa tan toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 13,4 tỷ USD vào năm 2021 lên 23,1 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 6,2% trong giai đoạn 2022-2030.

Với lịch trình bận rộn của dân số ngày nay, đồ ăn, đồ uống tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này sẽ giúp phát triển thị trường cà phê hòa tan. Đây được xem là cơ hội cho các nước xuất khẩu cà phê, trong đó có Việt Nam.

Định hướng chiến lược của ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030 là tiếp tục đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại. 

Hoàng Hiệp

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.