|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử đại án VNCB: Đề nghị không gọi nhóm Trần Ngọc Bích, nhóm Tân Hiệp Phát, nhóm Dr. Thanh

09:28 | 28/12/2016
Chia sẻ
Yêu cầu này từ bà Trần Ngọc Bích được HĐXX ghi nhận trong phiên xử phúc thẩm ngày hôm nay (28/12).

Sáng nay (28/12), phiên tòa phúc thẩm đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bước vào ngày xét xử thứ 2.

Bắt đầu phiên tòa sáng nay, bà Trần Ngọc Bích có yêu cầu những người tham gia phiên tòa không dùng những từ như nhóm Trần Ngọc Bích, nhóm Tân Hiệp Phát, nhóm Dr. Thanh, yêu cầu của bà Bích được HĐXX ghi nhận.

xu dai an vncb de nghi khong goi nhom tran ngoc bich nhom tan hiep phat nhom dr thanh
Bà Trần Ngọc Bích tại tòa

Sau đó chủ tọa phiên tòa bắt đầu tóm tắt lại toàn bộ nội dung vụ án.

Phần mở đầu bản án dẫn giải chi tiết bản án sơ thẩm của TAND TP HCM về hành vi phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của Phạm Công Danh và đồng phạm. Với các hành vi phạm tội trên, các bị cáo đã gây thiệt hại nặng nề cho VNCB, khiến kế hoạch tái cơ cấu của ngân hàng này thất bại, dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm nghiêm trọng.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiền thân là ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Sau khi được Chính phủ chấp thuận phương án tái cơ cấu và NHNN chấp thuận phương án nhân sự, vào tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành VNCB. Nhưng thực tế, bị cáo Danh đã nắm quyền kiểm soát Trust Bank từ tháng 6/2012 bằng việc mua cổ phần (84,92%) của nhóm kiểm soát Trust Bank thời điểm đó.

Theo bản án sơ thẩm, thời điểm Phạm Công Danh tiếp nhận ngân hàng, VNCB có vốn chủ sở hữu âm gần 2.855 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm VNCB được điều hành dưới tay bị cáo Danh, đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB bị âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là gần 38.256 tỷ đồng. Việc “đi xuống” của VNCB, theo cáo trạng của VKSND tối cao, là do hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm.

Trong đó, rõ nhất là việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Công Danh khi lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB để trả cho các hợp đồng khống này trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.

Sau đó, dù không có lãi năm 2012 tại khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu Tập đoàn này cho ba công ty Thạch Hà, An Lộc và Công ty Minh Quang trị giá 900 tỷ đồng từ nguồn tiền của Ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.

Bên cạnh đó, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích gây thiệt hại cho VNCB.

Ngoài ra, Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố vì hàng loạt vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống với bà N.T.N.L, nâng khống giá trị các lô đất tại Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 5.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau... gây thiệt hại cho VNCB là 2.095 tỷ đồng. Tổng hợp nhiều sai phạm trên, theo kết luận của cáo trạng, tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án hơn 9.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Danh khai nhận do nhu cầu về thanh khoản của VNCB rất căng thẳng, để đảm bảo khả năng thanh toán cần phải thu hút khách hàng tới gửi tiền tịa VNCB nên cần phải có tiền để chi trả chăm sóc khách hàng ngoài quy định của Ngân hàng Nhà nước. Danh tổ chức họp ban điều hành với các thành viên Mai, Khương, Viễn, Tùng... và đi đến thống nhất sử dụng các biện pháp trên để có tiền hoạt động.

Xuân Dũng