|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xiaomi nối gót Apple và Google, bắt đầu chuyển một phần sản xuất smartphone tại Việt Nam

06:54 | 07/07/2022
Chia sẻ
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ông lớn ngành công nghệ trên thế giới đã bắt đầu, hoặc cân nhắc chuyển một phần sản xuất sản phẩm sang thị trường Việt Nam.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc là Xiaomi gần đây đã giao lô sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm tăng cường hiệu quả giao hàng ở các thị trường Đông Nam Á và giảm chi phí logistics, đại diện Xiaomi chia sẻ vào ngày 5/7.

Chi phí giao hàng ở các thị trường Đông Nam Á đã tăng lên do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như xu hướng tăng chi phí logistics chung trong những năm gần đây. Theo Global Times, vấn đề này đã được Xiaomi giải quyết. Công ty đã hợp tác với các đối tác của mình để thực hiện nội địa hóa sản xuất, theo một phát ngôn viên chính thức của Xiaomi.

Các thiết bị điện tử cầm tay của Xiaomi được sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối trong nước, cũng như đến các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia và Thái Lan, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Động thái này của Xiaomi cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách mở rộng hơn nữa hợp tác song phương. Ma Jihua, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu, chia sẻ trên Global Times rằng việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường Đông Nam Á khác có thể cải thiện cả chi phí và hiệu quả phân phối của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc.

Xiaomi chuyển sản xuất sang Việt Nam. (Nguồn: VCG).

Khu vực ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Mối quan hệ hợp tác công nghiệp ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là xu hướng dài hạn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả điện thoại thông minh, ông Ma nói.

Cùng với việc nâng cấp ngành công nghiệp của Trung Quốc, một số ngành công nghiệp khá sử dụng nhiều lao động đã dần chuyển đến Việt Nam và các nước khác, bắt đầu từ các nhà sản xuất giày dép, quần áo và đồ nội thất.

Một số nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng nhận thấy xu hướng này trong những năm gần đây, bao gồm nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc TCL và nhà sản xuất màn hình hiển thị BOE, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông. Một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc, Trina Solar, cũng đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vào đầu năm 2017.

Mặc dù nhiều báo cáo truyền thông nước ngoài đã thổi phồng việc di dời một số công ty sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng đó thực sự là một dấu hiệu của sự phát triển "lành mạnh" rằng các chuỗi công nghiệp của Trung Quốc đang chuyển một số công suất sản xuất hạ nguồn của họ đến những nơi có chi phí thấp hơn, bao gồm cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Ma cho biết thêm rằng điều này không chỉ phù hợp với việc nâng cấp ngành công nghiệp của Trung Quốc mà còn có thể giúp các công ty nước này phát triển trên thị trường toàn cầu.

Các chuyên gia lưu ý, việc chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á rộng lớn nói chung là tác động lan tỏa của việc mở rộng chuỗi công nghiệp của Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển đồng bộ chuỗi giá trị của cả hai nền kinh tế. Ở một mức độ nào đó, việc này mang ý nghĩ rằng mạng lưới chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc đã phát triển lớn hơn, các chuyên gia nói thêm.

Trong khi đó, ông Ma chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, vị trí và các khía cạnh khác, song năng lực đảm nhận sản xuất từ ​​Trung Quốc cho đến nay còn hạn chế do vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số thiết bị và bộ phận cốt lõi. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 5 năm.

Không chỉ Xiaomi, mà nhiều đơn vị nổi tiếng khác trên toàn cầu như Apple và Google cũng đã chuyển sản xuất các sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Cụ thể, đầu tháng 6, gã khổng lồ Apple cho biết sẽ có lần đầu tiên chuyển một số hoạt động sản xuất iPad ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc để tới Việt Nam sau khi các lệnh phong tỏa để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt ở Thượng Hải và một số khu vực khác gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng trong nhiều tháng, theo Asia Nikkei.

Như vậy, iPad sẽ trở thành dòng sản phẩm chính thứ hai của Apple được sản xuất tại Việt Nam, sau loạt tai nghe AirPods. Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với công ty. Apple đã xuất xưởng 58 triệu chiếc iPad trong năm ngoái, với phần được sản xuất tập trung ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ông lớn ngành công nghệ khác của Mỹ là Google cũng đang cân nhắc chuyển một phần đơn đặt hàng sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang các nhà máy đối tác tại Việt Nam.

Gã khổng lồ Internet có trụ sở tại Mỹ ban đầu dự định sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, nhưng quyết định giữ nguyên sản xuất ở Trung Quốc vì đại dịch và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 do chính quyền Trung Quốc thực hiện đã khiến công ty phải cân nhắc lại điều này, theo một số nguồn tin.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.