Xây dựng hẳn một 'nền kinh tế' trong game, Sky Mavis đang đau đầu để duy trì đồng tiền của mình không bị mất giá
8 tháng trước, Ansel Gravelle, một tư vấn viên quản lý tại Toronto, tình cờ biết đến Axie Infinity, trò chơi sẽ trả tiền mã hoá cho người chơi bằng cách chiến đấu bằng quái vật ảo. Sau khi trả khoản tiền gia nhập đầu tiên 1.000 USD và chơi trong hơn một tháng, Ansel Gravelle nhận ra anh có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách khác.
Cùng một người bạn, hồi tháng 7, Ansel Gravelle sáng lập một công ty chuyên cấp "học bổng" để tài trợ cho người chơi không có đủ tiền để bắt đầu chơi Axie Infinity. Đổi lại, công ty sẽ thu một nửa thu nhập của người chơi trong game.
Gravelle không phải người duy nhất làm vậy trên hành trình này. Hơn bất kỳ ứng dụng nào khác, Axie Infinity và các đối thủ của nó đang trở thành một cánh cổng để giới thiệu thị trường tiền mã hoá với đại chúng.
Chúng đặt nền móng cho một thế giới trực tuyến mới và hệ thống tài chính hoạt dộng dựa trên các token trao đổi thông qua các sổ cái điện tử. Axie Infinity đã tạo ra một "nền kinh tế" với những công ty như của Gravelle đang dựa vào để phát triển.
"Nền kinh tế" trong Axie Infinity
Axie Infinity có nhiều điểm tương đồng với trò chơi Pokémon. Trò chơi thưởng cho người chơi token khi chiến thắng các trận chiến hoặc hoàn thành nhiệm vụ nào đó.
Nhiều người chơi ở các nước đang phát triển dựa vào các nhà tài trợ giàu có hơn để thanh toán khoản chi phí ban đầu để mua 3 quái vật, hay Axie, trong game. Các nhà tài trợ sau đó có thể nhận lại từ 30% đến 50% thu nhập của người chơi.
Người chơi cũng có thể dùng token để nuôi quái vật mới và sau đó bán cho những người chơi mới trên các sàn giao dịch.
Dù vậy, các nhà phân tích trong ngành game bắt đầu đặt ra dấu hỏi về tính bền vững của "nền kinh tế" trong Axie Infinity. "Nền kinh tế" này vốn dựa vào tăng trưởng người chơi mới để duy trì cân bằng.
Trong khi từ lâu các trò chơi đã thường dùng "đồng tiền" của riêng mình, Axie Infinity và các trò chơi dựa trên tiền mã hoá khác cho phép người chơi chuyển đổi tài sản trong game thành tiền thật thông qua nhiều kênh. Tính năng này tạo ra rủi ro rằng người chơi sẽ rút toàn bộ tiền kiếm được thay vì tiếp tục lưu thông chúng trong "nền kinh tế" của game.
Sky Mavis, công ty đứng sau Axie Infinity, mới đây đã phải nỗ lực để ngăn đợt giảm giá của Smooth Love Potion (SLP), đồng token mã hoá mà người chơi có thể kiếm được trong game.
Ngày càng có nhiều người chơi chọn cách đổi token SLP sang đồng tiền địa phương thay vì dùng chúng để nuôi quái vật mới và bán cho người chơi mới sau đó, nhà phát triển game chia sẻ với FT. Đây chính là một trong những lý do đồng SLP giảm giá.
Khi đồng tiền mã hóa bị mất giá
Đợt giảm giá làm ảnh hưởng đến người chơi ở các nước đang phát triển như Philippines, nơi có nhiều người đã nghỉ việc để chơi và kiếm tiền trên Axie Infinity.
Trong 3 tháng qua, trừ những người chơi có kinh nghiệm, người chơi Axie Infinity chủ yếu kiếm được tiền từ Axie Infinity dưới mức lương hàng ngày trung bình ở Philippines, theo công ty nghiên cứu game Naavik. Một số người chơi mới không kiếm được bằng mức lương tối thiểu từ tháng 9 sau khi phải trừ đi khoản phân chia doanh thu cho các nhà tài trợ.
Sky Mavis nói rằng trong đại dịch, thu nhập từ game là "nguồn sống cho hàng trăm nghìn người ở Philippines". Sky Mavis phủ nhận nghiên cứu của Naavik và cho rằng nó "chỉ tập trung vào người chơi Axie đơn thuần để kiếm tiền".
Số lượng người chơi Axie Infinity hàng ngày đã tăng hơn 4 lần chỉ trong vòng 3 tháng để chạm mốc 2 triệu người chơi vào tháng 10, theo Sky Mavis. Các nhà phân tích hiện đang bắt đầu quan sát những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chậm lại.
"Họ có thể có tới 50 tỷ người dùng nhưng nếu tăng trưởng đi ngang thì thu nhập sẽ không được tạo ra", Lars Doucet, một nhà tư vấn game tại Naavik, nói.
Hoạt động của Axie Infinity có thể là một "chỉ báo" lớn cho hàng chục các startup vừa gọi thành công không ít vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm để tạo ra các trò chơi có cơ chế tương tự Axie Infinity. Khác với các trò chơi truyền thống, trò chơi dạng này khiến các nhà phát triển có vai trò như một "ngân hàng trung ương". Nhà phát triển vì thế phải liên tục đưa ra các điều chỉnh để kiềm chế lạm phát và các biến số kinh tế khác.
Sky Mavis nhận thức rằng mình đang dựa vào tăng trưởng người chơi mới. Startup này cam kết sẽ ra mắt các tính năng mới để thu hút người chơi không đơn thuần muốn đổi token kiếm được ra tiền.
Sky Mavis dự định sẽ bán hơn 90.000 mảng đất ảo trong game dưới dạng NFT (token không thể thay thế) và cho phép cả các nhà phát triển bên thứ 3 tạo ra game mới trong vũ trụ Axie Infinity.
Theo Token Terminal, Sky Mavis có thể đã thu về doanh thu 1,2 tỷ USD trong quá trình hoạt động thông qua việc thu 4,5% giá trị giao dịch trong trò chơi này.
Một đồng token do Yield Guild Games, một nhà tài trợ người chơi Axie ở Philippines, đã tăng giá trị thị trường lên gần 800 triệu USD trong vài tháng. YGG hiện có gần 850 triệu USD giá trị tài sản gắn với Axie và các đồng tiền khác trong gảm tính đến thời điểm tháng 9.
Tiềm năng doanh thu trong tương lai cũng khiến Akhil Jindal, một nhà khoa học kỹ thuật và máy tính, từ bỏ chương trình học tiến sỹ ở Boston để thành lập Proof of Game, một startup hợp tác game tiền mã hoá.
Proof of Game đang tài trợ hơn 700 người chơi trong Axie và các trò chơi tương tự khác. Dù vậy, ông thừa nhận đây là một thử nghiệm. "Nếu thành công, đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi và nếu không thành công, sẽ có nhiều bài học", ông nói.
Aleksander Larsen, người đồng sáng lập Sky Mavis, chia sẻ Axie chưa ghi nhận tình trạng số người dừng chơi game tăng lên.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm thế giới bất ngờ với những gì có thể với trò chơi này. Bạn sẽ chưa bao giờ thấy điều gì đó tương tự như vậy", ông khẳng định.