WeWow gục ngã khi thị trường tập luyện thể chất ở châu Á tăng trưởng mạnh
Trước khi WeWow nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/5, giới quan sát từng hi vọng công ty sẽ trở thành kì lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam, với một thị trường phát triển đầy tiềm năng.
Theo thống kê của Mintel và Statisca, thị trường fitness và beauty truyền thống ở Việt Nam ước tính khoảng hơn 2,5 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng khoảng 25-30%/năm. Trong khi đó, chỉ 15,3% dân số Việt Nam tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày, và 0,45% dân số từng tham gia câu lạc bộ thể thao.
Tiềm năng lớn của thị trường tập luyện thể chất ở châu Á
Hồi tháng 10 năm ngoái, Viện Sức khỏe Toàn cầu - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận -công bố một báo cáo gồm 180 trang về nền kinh tế tập luyện thể chất toàn cầu.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế tập luyện thể chất toàn cầu đã đạt qui mô 828 tỉ USD vào năm 2019 và sẽ đạt qui mô tới hơn 1.100 tỉ USD vào năm 2023.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường tập luyện thể chất lớn thứ hai thế giới, với doanh thu khoảng 240 tỉ USD mỗi năm, tương đương gần 30% thị trường toàn cầu. Tốc độ phát triển hàng năm của thị trường châu Á sẽ đạt 9,2% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023.
Viện Sức khỏe Toàn cầu dự báo doanh thu của thị trường tập luyện thể chất ở châu Á sẽ đạt hơn 373 tỉ USD vào năm 2023, khi châu Á vượt Bắc Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm tới gần 1/3 mức tăng trưởng của thị trường châu Á.
Qui mô của ngành tập luyện thể hình (gym & fitness) toàn cầu đang đạt mức 109 tỉ USD, theo báo cáo, và tăng trưởng với tốc độ cao. Trung bình, mỗi người tập chi tới 284 USD mỗi năm cho hoạt động tập luyện thể hình.
Thị trường tập thể hình châu Á có giá trị 22,7 tỉ USD mỗi năm, và mức chi tiêu trung bình của mỗi người tập là 494 USD/năm.
Cơ hội để mở rộng ngành tập thể hình ở châu Á rất lớn, vì hiện tại chi tiêu cho tập thể hình mới chỉ chiếm 19% trong tổng chi tiêu cho các hoạt động thể chất và tinh thần ở châu Á. Trong khi đó, tỉ lệ ấy đối với thế giới là 30%. Chỉ khoảng 1,1% người dân châu Á tham gia hoạt động tập thể hình.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao vì COVID-19
Trong vài tháng qua, ngành tập thể hình toàn cầu hứng chịu tổn thất tài chính lớn khi hàng nghìn phòng tập phải ngừng hoạt động vì đại dịch COVID-19. Đại dịch khiến hàng triệu người không có chỗ để tập luyện, và cũng khiến hàng nghìn chủ phòng tập và nhân viên đối mặt tình trạng khó khăn về tài chính.
Hàng loạt chuỗi phòng tập - như chuỗi Planet Fitness ở Mỹ - đã không hoàn tiền cho khách hàng và cũng không đồng ý để khách hàng hủy gói tập trong thời gian họ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều chuỗi khác lại ngừng thu phí thành viên và không đòi khách hàng thanh toán bất kì khoản phí nào trong thời gian họ đóng cửa.
Tổ chức lớp tập trực tuyến là giải pháp của nhiều phòng tập trong mùa dịch COVID-19. Video: Beachbody
Suy thoái kinh tế cũng để lại hậu quả nặng nề cho ngành tập thể hình khi nhiều huấn luyện viên và nhân viên phòng tập thất nghiệp. Chẳng hạn, Solidcore, một chuỗi phòng tập ở Mỹ, phải sa thải 98% nhân viên do không có doanh thu trong thời kì COVID-19 lây lan.
Mặc dù vậy, ngành tập thể hình cũng đã tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo để tiếp cận khách hàng thông qua công nghệ số. Nhiều phòng tập đã tổ chức các lớp tập luyện trực tuyến, livestream và hướng dẫn tập luyện cá nhân qua ứng dụng Zoom.
Beachbody - một công ty cung cấp dịch vụ tập thể hình ở Mỹ - nhận thấy doanh thu tăng gấp đôi từ khi họ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, và số hội viên đăng kí tập tăng lên tới xấp xỉ 1,5 triệu.