|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư khẳng định WeWow phải trả nợ khi tòa án chưa xác nhận thụ lí đơn xin phá sản

17:15 | 14/05/2020
Chia sẻ
Một luật sư nói khi tòa án chưa thụ lí đơn xin phá sản của WeWow, các đối tác và khách hàng có quyền yêu cầu công ty phải thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán mà các bên đã giao kết.

Ra đời cuối năm 2016, công ty cổ phần công nghệ Onaclover (WeWow) là nền tảng ứng dụng di động, cung cấp các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại nhiều địa điểm ở Hà Nội và TP HCM. 

Hồi đầu năm 2019, WeWow tuyên bố họ gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Trước đó, công ty từng nhận 155.000 USD từ quĩ đầu tư ESP Capital vào năm 2017

Nhưng vào ngày 11/5, WeWow, công ty chủ quản của ứng dụng kết nối phòng tập Wefit, đã tuyên bố phá sản. Thông báo nêu rõ WeWow đã nộp đơn xin phá sản từ ngày 29/4.

Luật sư Phạm Thị Nhung, một thành viên của Công ty luật TGS, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nói rằng phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. 

Luật sư về WeWow - Ảnh 1.

Thư dành cho khách hàng mua gói tập của WeWow. Ảnh chụp màn hình.

Căn cứ vào Luật phá sản 2014, luật sư Phạm Thị Nhung nhận định trong trường hợp công ty cổ phần công nghệ Onaclover nhận thấy doanh nghiệp không có đủ khả năng thanh toán, họ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thủ tục phá sản của WeWow sẽ đơn giản hay phức tạp?

Luật phá sản 2014 qui định một doanh nghiệp sau khi nộp đơn xin mở thủ tục phá sản sẽ trải qua các bước sau:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ thẩm phán gồm 3 thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

Nếu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho bạn về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo cho bạn sửa đổi, bổ sung đơn; chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác; trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi thuộc trường hợp trả lại đơn quy định tại Luật phá sản 2014

Nếu Tòa án nhân dân xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân này có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết.

Luật sư khẳng định WeWow phải trả nợ khi tòa án chưa xác nhận thụ lí đơn xin phá sản - Ảnh 2.

Luật sư Phạm Thị Nhung, thành viên của hãng luật TGS ở Hà Nội. Ảnh: TGS

Trong thời hạn 3 ngày làm việc từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

Nếu các bên thỏa thuận thành công về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Nếu thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng, Tòa án thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản 2014.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán.

Mặc dù là doanh nghiệp hợp pháp tại Việt Nam, luật sư Phạm Thị Nhung cho rằng việc WeWow xin phá sản sẽ rất phức tạp. Do mô hình hoạt động theo hướng liên kết, Wefit là trung gian, kết nối giữa các phòng tập, trung tâm làm đẹp tới khách hàng. 

Do vậy, các khoản nợ mà công ty có nghĩa vụ phải thanh toán sau khi phá sản sẽ có tính hai chiều - giữa khách hàng và công ty, giữa công ty và các doanh nghiệp đối tác. Thực tế việc khiến các vụ việc phá sản trở nên phức tạp chính là việc giải quyết các khoản nợ sau khi phá sản. 

"Rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng, điều kiện tài chính để thanh toán cho chủ nợ khi phá sản, đặc biệt với một công ty vận hành nền tảng", luật sư Nhung nhận định.

Trách nhiệm trả nợ của WeWow với hội viên và phòng tập

Luật phá sản 2014 qui định doanh nghiệp chỉ được xem như phá sản khi mất khả năng thanh toán và Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. WeWow hiện tại mới chỉ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, và tòa án chưa xác nhận họ đã thụ lí đơn hay chưa. Do vậy, đến khi nhận thông báo thụ lí của tòa, WeWow vẫn phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ cho khách hàng, đối tác.

Điều 54 của Luật Phá sản qui định về nghĩa vụ tài sản khi doanh nghiệp tiến hành thủ tục phá sản.

"Đối với vụ việc WeWow, khách hàng mua gói tập và các đối tác phòng tập sẽ là khoản nợ không có bảo đảm, nên được xét thanh toán cuối cùng", Luật sư Phạm Thị Nhung nhận xét.

Đến thời điểm hiện tại, các chủ nợ phải chủ động nắm bắt thông tin xem tòa án đã thụ lí đơn xin phá sản của WeWow hay chưa. Trường hợp tòa án chưa thụ lí, các đối tác và khách hàng mà WeWow đang nợ có quyền yêu cầu công ty phải thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán mà các bên đã giao kết chứ không thể đẩy trách nhiệm sang cho tòa án.

"Nếu tòa án đã thụ lí đơn xin phá sản, các khách hàng và đối tác có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu WeWow thanh toán công nợ. Lúc này, tòa án sẽ có trách nhiệm căn cứ vào hồ sơ vụ án để giải quyết", luật sư Phạm Thị Nhung nhấn mạnh.

Nhạc Phong