WB: Kiểm soát giá cả tốt trong ngắn hạn, nhưng nếu kéo dài sẽ bóp méo động lực phát triển của nền kinh tế
Mặc dù đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm 2022, song các chuyên gia từ World Bank (WB) cũng cho biết, những dự báo trên vẫn có những rủi ro, nó sẽ tác động đến sự phục hồi đầy đủ của nền kinh tế.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở một số quốc gia khiến Việt Nam chịu áp lực cao hơn trong nhập khẩu lạm phát, rủi ro về chuỗi cung ứng toàn cầu, biến chủng COVID-19 mới nếu du nhập vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới ngành dịch vụ vừa phục hồi chưa được bao lâu.
Trong thời điểm bất định như vậy, World Bank khuyến cáo, cơ quan chức năng cần có sự điều hành chính sách theo hướng vừa linh hoạt vừa thận trọng và sẵn sàng hành động.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại & Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra 4 khuyến nghị chính sách, gồm: Điều hành tài khoá theo hướng hỗ trợ hơn, điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động tăng cường hệ thống ngân hàng và có tầm nhìn xa trông rộng để có sự cải cách sâu rộng hơn.
Nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nhu cầu trên thế giới được dự báo là sẽ yếu đi, trong khi Việt Nam vẫn còn không gian tài khoá để hành động. Chính vì vậy, chuyên gia cao cấp của WB khuyến nghị Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ các chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tập trung vào những khu vực chính như kinh tế xanh hay số hoá. Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu để hỗ trợ đúng đối tượng điển hình như với một số mặt hàng thiết yếu việc hỗ trợ các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ đúng mục tiêu hơn việc giảm thuế nhập khẩu, thuế VAT để hỗ trợ 1 cách tràn lan.
Với chính sách tiền tệ, lạm phát năm 2022 được dự báo vẫn dưới 4% như mục tiêu mà Quốc hội đề ra, cho nên nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng. Do đó, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu xuất hiện rủi ro hay áp lực tăng lạm phát trở thành hiện thực, các cơ quan chức năng cần cân nhắc đến việc tăng lãi suất. Nếu Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ thì cần truyền thông rõ ràng để thị trường tránh được những cú sốc.
Bà Dorsati Madani cũng cho rằng, trong trung hạn cần quản lý theo chỉ tiêu lạm phát. Trong ngắn hạn mà Việt Nam kiểm soát giá cả và giảm bớt áp lực lạm phát thì có thể đem lại lợi ích nhưng về trung và dài hạn sẽ có tác tiêu cực. Bởi nếu cố gắng kiểm soát giá cả và làm giá cả đi xuống thì nó sẽ bóp méo động lực phát triển của nền kinh tế về trung hạn và dài hạn.
“Tất nhiên, nếu các cú sốc quá mạnh và mang tính chất tạm thời thì việc kiểm soát giá cả sẽ hợp lý nhưng trong trung hạn không nên áp dụng biện pháp kiểm soát giá cả quá dài vì nó sẽ làm ‘méo mó’ động lực phát triển thực sự của nền kinh tế, bà Dorsati Madani nói.
Với vấn đề tăng trưởng tín dụng khoảng 16% có phù hợp hay không, bà Dorsati Madani cho rằng, đây đã là mức tăng trưởng tín dụng cao nếu so với chuẩn. Con số này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP ở mức cao, nguồn lực trong nền kinh tế cũng rất dồi dào.
"Nếu như rủi ro lạm phát trở thành hiện thực và tốc độ lạm phát tăng cao thì Chính phủ nên thắt chặt chính sách tiền tệ chứ không nên nới lỏng. Không nới room tín dụng mà thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để hạ nhiệt thị trường tín dụng”, chuyên gia từ WB cho hay.
Về tài khoá, cần cải cách chính sách tài khoá để mở rộng dư địa tài khoá giúp Chính phủ có thể chi tiêu cho các mục tiêu phát triển lâu dài của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có những cải thiện trong việc quản lý thuế nhưng cần cải cách thuế hơn nữa như việc đưa ra sắc thuế về carbon để đạt các cam kết trong COP26. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn để tăng khả năng chống chịu của Việt Nam với những rủi ro.