Kinh tế Việt Nam trong những lần thế giới biến động: Từng lạm phát cao gần 23%, riêng một ngành vẫn tăng trưởng tốt
Trong hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã gặp không ít khó khăn vào những lần kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng giảm tốc. Gần nhất là năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế trong năm đó và năm 2021 chỉ ghi nhận mức tăng lần lượt là 2,91% và 2,58%, thấp nhất trong nhiều năm.
Quay ngược trở lại khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008 – cũng là khởi đầu cho giai đoạn Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm khi tăng trưởng GDP luôn thấp hơn 7% và đi xuống theo từng năm. Đến năm 2018 và 2019 mới ghi nhận mức tăng trên 7%.
Nhưng đáng chú ý hơn cả ở giai đoạn đó là lạm phát cao chưa từng thấy ở mức hai chữ số vào năm 2008 (22,97%) và năm 2011 (18,6%).
Về mức lạm phát tăng kỷ lục hồi năm 2008 của Việt Nam, Tổng cục Thống kê năm đó đã đánh giá CPI năm 2008 diễn biến phức tạp, khác thường so với xu hướng giá tiêu dùng các năm trước. Giá tăng cao ngay từ quý I và liên tục tăng lên trong quý II, quý III, nhưng các tháng quý IV liên tục giảm so với tháng trước.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2008 nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất, trong đó riêng lương thực tăng 49%, thực phẩm tăng 32%.
Ở giai đoạn 2010-2013 (thời điểm diễn ra khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2010-2012), kinh tế Việt Nam không mấy thuận lợi dù tăng trưởng tuy có dấu hiệu phục hồi trong năm 2010 nhưng không bền vững, lạm phát đã tăng cao trở lại lên mức 11,8% cuối năm và tiếp tục neo cao trong các năm sau.
Trong giai đoạn suy thoái toàn cầu 2008, Việt Nam cũng từng ban hành gói kích thích năm 2008-2009 với quy mô khi đó vào khoảng 122.000 tỷ đồng (tương đương 6,9 tỷ USD).
Hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết gói hỗ trợ khi đó đã giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng và trở thành một trong số ít những nước có tăng trưởng dương (năm 2008 tăng trưởng 5,7%, năm 2009 tăng trưởng 5,4%).
Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều hạn chế như chính sách mới tập trung chủ yếu về phía cung, tức là doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra, sản xuất chưa biết bán đâu.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ có lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ về chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa khác làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách. Xảy ra trường hợp vay vốn rẻ rồi lại gửi ngân hàng khác để ăn hưởng chênh lệch.
Những hạn chế của gói hỗ trợ khi đó đã dẫn tới nhiều ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, năm 2010 lạm phát 9,2% và năm 2011 lạm phát là 18,6%. Đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí và nhiều dự án đến năm 2011 phải dừng và đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất chưa quyết toán được đã để lại các ảnh hưởng rất lớn.
Điểm sáng trong những lần kinh tế gặp khó khăn do tác động từ các yếu tố quốc tế phải nhắc đến mảng xuất khẩu. Lĩnh vực này gần như không bị ảnh hưởng trong những lần kinh tế thế giới có biến động. Ngoại trừ năm 2009 giảm 9,7% so với 2008 (do sức tiêu thụ hàng hoá trên thị trường thế giới thu hẹp, giá cả của nhiều loại hàng hoá giảm mạnh), các năm sau đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đều tăng.
Trong hai năm COVID, xuất khẩu vẫn giữ phong độ và là động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế.
Một chỉ số vĩ mô quan trọng khác là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ năm 2000 đến năm 2007 trước khi xảy ra suy thoái toàn cầu, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp hàng năm đều đạt mức tăng từ 15-17% so với năm liền trước, như năm 2007 tăng đến 17,1%. Các năm sau đó chỉ số này không còn tăng ở mức cao như trước.
Về tình hình việc làm, trong năm toàn cầu suy thoái 2008, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng nhẹ 2% so với năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước tính 4,65%. Từ đó trở đi tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam có xu hướng giảm dần, dao động ở mức 2%. Tuy nhiên đến năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,22% - cao nhất kể từ năm 2009.
Quay trở lại câu chuyện của năm 2022 khi nhiều tổ chức cảnh báo kinh tế toàn cầu sắp rơi vào suy thoái. Mỹ đã chính thức suy thoái về mặt kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, trong khi đó tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ ở mức 0,4% - yếu nhất trong hơn hai năm.
Mới đây, SSI Research nhận định chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào vùng suy thoái.
Dự báo về tác động đến Việt Nam, khối phân tích cho rằng nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên vẫn có khả năng sẽ giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên.
"Các lĩnh vực liên quan đến thương mại sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động, tuy nhiên các tác động vẫn còn hạn chế nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam", các chuyên gia tại đây dự báo.
SSI cũng cho rằng tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt.
Trao đổi với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cũng bày tỏ lo ngại một số nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn và nguy cơ suy thoái diện rộng có thể xảy ra.
Ông lưu ý kinh tế trong nước đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục. Theo ông lạm phát vẫn chưa đáng lo nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là nguy cơ xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
"Với một quốc gia lấy xuất nhập khẩu là động lực phát triển chính như Việt Nam, việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, kết hợp với những khó khăn do nguồn cung đứt gãy, chi phí logistics tăng cao đang trở thành một trong những bài toán ảnh hưởng lớn đến khả năng tăng trưởng và phát triển của kinh tế Việt Nam ngay trong 2022 và trong những năm tiếp sau.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiêu dùng của người Mỹ giảm đi thì xuất khẩu của nước ta cũng gặp vấn đề", ông nói.
Nhắc lại độ hồi phục của kinh tế Việt Nam chưa bền vững, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất đẩy mạnh tìm kiếm thêm thị trường xuất nhập khẩu để bù đắp cho các thị trường truyền thống đang có nguy cơ bị giảm sút, bên cạnh việc tận dụng lợi thế của các thị trường sẵn có.
Với góc nhìn lạc quan hơn, tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) chia sẻ nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà ông tiếp xúc đều cho rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư của họ, kể cả khi suy thoái có nổ ra ở các quốc gia khác thì Việt Nam chưa chắc đã rơi vào suy thoái và cũng tin tưởng rằng ngay cả khi mà nền kinh tế có trải qua một giai đoạn khó khăn thì Việt Nam sẽ rất nhanh chóng vượt qua giai đoạn đó.
"Ngoài vấn đề độ trễ về chính sách, tăng trưởng GDP hai quý đầu năm so với hai quý năm trước đã là 6,4%. Thêm vào đó, cấu phần của GDP Việt Nam với tỷ lệ GDP đến từ dịch vụ và sản xuất công nghiệp, xây dựng khoảng 70%, cho thấy mức độ bền vững cao hơn so với cả giai đoạn trước đây. Lạm phát Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải so với các quốc gia khác", đại diện BSC nói.
Trước đó hồi cuối tháng 5, Giám đốc đầu tư Pyn Elite Fund - ông Petri Deryng khẳng định Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái khi Mỹ và châu Âu - hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang giảm tốc.
Đại diện quỹ này nhắc lại cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ gây ra sự sụp đổ của thương mại toàn cầu trong năm 2009, khiến xuất khẩu Việt Nam giảm 9%. Tuy nhiên, tiêu thụ tại thị trường nội địa lại tăng cao giúp nền kinh tế Việt Nam khi đó vẫn tăng trưởng 5,4%.
"Tác động tiêu cực gần như sẽ tập trung tại các nhà máy do công ty vốn đầu tư nước ngoài sở hữu, trụ sở chủ yếu ở nước ngoài, trong khi ngân hàng và doanh nghiệp nội địa không bị ảnh hưởng quá lớn. Tất nhiên sự suy giảm sản xuất công nghiệp trong thời gian dài vẫn sẽ gây bất lợi cho Việt Nam", quỹ từ Phần Lan đánh giá.
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 4/8, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng kinh tế Mỹ đang chậm lại có khả năng cản đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên nền kinh tế nội địa đang phát triển mạnh của Việt Nam sẽ làm giảm tác động của sự suy thoái đó.
VinaCapital nhắc lại trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số bán lẻ thực tế của Việt Nam (đã loại trừ tác động của lạm phát) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 7 tháng 2022, con số này tăng lên 11,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% hàng năm mà quỹ này đã dự báo.